Những điều cần lưu ý khi dạy trẻ học cách quản lý tiền bạc:
Quản lý chi tiêu là kỹ năng quan trọng cha mẹ nên dạy trẻ từ khi trẻ còn nhỏ.
Việc đầu tiên cần làm là giải thích cho trẻ những khái niệm căn bản như tiết kiệm (saving), chi tiêu (spending) và chia sẻ (sharing), sau đó mới đến các bước tiếp theo.
Dạy trẻ cách phân biệt giữa mong muốn (wants) và nhu cầu (needs).
Dạy trẻ cách theo dõi “dòng” tiền, và tầm quan trọng của việc tránh xa lối sống “vung tay quá trán”
Nếu con chi tiêu chưa đúng cách, chẳng sao cả!
Đối với trẻ con, Tết có lẽ là ngày lễ được ưa thích nhất trong năm, bởi đây là dịp con được nhận thật nhiều tiền “lì xì”. Những ngày xuân đã qua, đây cũng là lúc cha mẹ có thể suy nghĩ đến việc dạy trẻ cách tiết kiệm và sử dụng tiền lì xì thật hợp lý!
Dạy trẻ hiểu rõ về vấn đề tiền bạc từ thuở nhỏ sẽ là nền tảng để con sử dụng đồng tiền đúng đắn và hiệu quả hơn khi trưởng thành. Khi đã trở thành người lớn, chắc chắn con sẽ cần vững vàng trước những kỹ năng sống quan trọng như thiết lập ngân sách, quản lý tín dụng và nợ có trách nhiệm, tiết kiệm phòng khi tình huống bất ngờ, hoặc thậm chí là đầu tư sinh lời. Điều đáng tiếc là đa số trẻ em ngày nay không được cha mẹ dạy kỹ năng sử dụng tiền. Một số phụ huynh cho rằng tiền bạc vốn không phải là việc của “con nít”, hoặc những khái niệm tài chính quá phức tạp với con. Những gia đình khác lại không mong muốn tạo gánh nặng cho con cái vì một số nguyên nhân như nợ nần hoặc các khoản chi bất ngờ.
Nếu cha mẹ không đích thân dạy con mình cách quản lý tiền bạc, chắc chắn con sẽ học được điều này từ người khác. Đó chắc chắn là một việc đầy rủi ro. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số bài học quản lý tiền bạc hiệu quả dành cho mọi lứa tuổi để cha mẹ dạy con cách làm chủ tài chính.
Tuy nhiên, nói về tiền bạc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chia sẻ thông tin tài chính từ lâu được coi là“điều cấm kỵ” ở Mỹ. Đối với những gia đình đang gặp khó khăn tài chính, câu chuyện quản lý tiền bạc thường được xem là một chủ đề khá căng thẳng, khiến các bậc cha mẹ ra sức bảo vệ con cái trước những “áp lực tiền bạc” không mong muốn. Tuy nhiên, chính vì kiến thức về tài chính thường không có trong chương trình giảng dạy phổ thông của chúng ta, cha mẹ cần là những “người thầy” dạy con kỹ năng quản lý tiền bạc. Những kỹ năng này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho năng lực tài chính lâu dài theo con suốt đời.
Một nền tảng quản lý tiền bạc tốt sẽ giúp trẻ:
chi tiêu thông minh vào những thứ con cần có – đó là những nhu cầu thiết yếu
tiết kiệm tiền để mua những thứ trẻ thích nhưng không quá cần thiết – đó là những món con MUỐN hơn là CẦN
dành ra một số tiền dự phòng cho những tình huống bất ngờ – ví dụ: nếu xe đạp bị hỏng và cần được sửa chữa
tránh khỏi việc mua sắm bốc đồng
Tại các lớp học của Everest Education ("E2"), chúng tôi đã bắt đầu giảng dạy những kiến thức cơ bản về tiền từ độ tuổi tiểu học. Chúng tôi dạy các em cách lập ngân sách (budgeting), hướng dẫn các em cách theo dõi các khoản tiền tiết kiệm của mình, cách tính toán và so sánh khi mua hàng để đưa ra quyết định tài chính thông minh. Các em thậm chí có thể tìm hiểu về lãi suất và lãi suất kép, đồng thời hiểu được những quy tắc cơ bản xoay quanh lĩnh vực ngân hàng và đầu tư khi bước sang cấp 2 – thời điểm các em đã được học về khái niệm Tỷ lệ phần trăm (Percentages).
Làm thế nào để trẻ có ngân sách riêng và lên kế hoạch tiết kiệm tiền
Giải thích cho trẻ hiểu tiền đến từ đâu
Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng tiền “không mọc trên cây”. “Khi bạn dạy con về tiền bạc, điều quan trọng là phải giải thích cho con hiểu tiền đến từ đâu. Tiền không tự nhiên “bay ra” từ ví của bố mẹ. Tiền là thành quả của sự làm việc chăm chỉ. Dĩ nhiên, khi con không làm gì, con sẽ chẳng nhận được món tiền nào cả”, Rachel Cruze, chuyên gia tài chính cá nhân và là đồng tác giả của cuốn sách “Smart Money Smart Kids: Raising the Next Generation to Win with Money”, chia sẻ. Điều quan trọng là phụ huynh cần liên tục dẫn chứng, giúp con hiểu rõ mối quan hệ giữa công việc và tiền bạc.
Dạy trẻ ba nguyên tắc quan trọng: chia sẻ (giving), tiết kiệm (saving) và chi tiêu (spending)
Khi trẻ muốn có món đồ chơi mới, hãy nói với trẻ: con hãy mua đồ chơi bằng tiền của con. Đây là lúc bài học “ba cái lọ” phát huy tác dụng. Chuẩn bị cho trẻ 3 cái lọ, mỗi lọ lần lượt dán nhãn “Tiết kiệm”, “Chi tiêu” và “Chia sẻ”. Mỗi khi trẻ được nhận một khoản tiền, hãy dạy con cách chia số tiền đó vào 3 cái lọ sao cho hợp lý. Lọ “Chi tiêu” là khoản tiền con có thể chi cho những mong muốn tức thời, ngắn hạn: như một thanh kẹo hoặc một que kem. Một khoản khác được bỏ vào lọ “Tiết kiệm” – dành cho những mục tiêu dài hạn hơn mà con phải tiết kiệm mới mua được., Ví dụ: khi con muốn mua một trò chơi điện tử mới hoặc một chiếc điện thoại di động. Lọ thứ ba dành cho việc “Chia sẻ”. Tiền trong lọ này có thể dùng để chuyển đến một người quen đang gặp khó khăn, hoặc để quyên góp.
Tea Nicola, Giám đốc điều hành của WealthBar, đặc biệt yêu thích kỹ thuật này. Nicola nói: “Con gái tám tuổi của tôi đã hiểu việc có ba khoản tiền mà con bé cần theo dõi: tiết kiệm, chi tiêu và chia sẻ. Đối với con gái tôi, khoản tiền “tiết kiệm” con bé thường dùng để mua vé tham dự hoạt động quan trọng như trại hè, hoặc những hoạt động trải nghiệm khác mà con bé muốn. Khoản tiền “chi tiêu” được con bé sử dụng hàng ngày khi có nhu cầu, chẳng hạn như mua một thanh kẹo hoặc món gì đó tương tự. Chúng tôi cũng dạy con tầm quan trọng của việc “chia sẻ”. Con có thể làm từ thiện hoặc tặng quà cho người khác, chẳng hạn như mua quà sinh nhật cho bạn của con”.
Thảo luận về Mong muốn và Nhu Cầu
Bước đầu tiên để dạy trẻ giá trị của việc tiết kiệm tiền là giúp chúng phân biệt giữa mong muốn (wants) và nhu cầu (needs). Khi đến tuổi mẫu giáo, con đã có thể tìm hiểu sâu hơn và học cách phân biệt giữa “mong muốn” và “nhu cầu”. Nói một cách đơn giản, những thứ thuộc về “nhu cầu” là những thứ chúng ta phải có để tồn tại; như thức ăn, nước uống, và một ngôi nhà. Còn những thứ ta “mong muốn” là thứ “nếu có thì tốt” nhưng không nhất thiết phải có để tồn tại: như một cây kem hoặc một chiếc ván trượt mới. Để dẫn chứng hiệu quả, cha mẹ có thể lấy ví dụ những thứ thuộc về “nhu cầu” như thực phẩm, nhà cửa và quần áo, và liệt những thứ còn lại vào nhóm “mong muốn”. Cũng có những khoản sẽ lấp lửng giữa “nhu cầu” và “mong muốn”, ví dụ: bánh Oreo là thực phẩm, nhưng chúng chắc chắn không cần thiết quá mức.
Cha mẹ cũng có thể tham khảo video dưới đây về câu chuyện của chú cá Larry. Video giúp giải thích các khái niệm trên cho con và kèm theo gợi ý những câu đố mà cha mẹ có thể cùng con phân loại để giúp con hiểu thêm về “nhu cầu” và “mong muốn”:
Những đứa trẻ có “trí thông minh tiền bạc” sẽ tự chúng hiểu rằng cần quan tâm đến “nhu cầu” của mình trước, sau đó mới bắt đầu nghĩ về những gì chúng “mong muốn”.
Lập danh sách
Một danh sách là cách để đưa các mục tiêu tài chính lên trang giấy. Trẻ có thể học cách tiết kiệm bằng cách hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm cho tương lai, bao gồm các vấn đề sau:
Tiết kiệm để làm gì
Những thứ phải “gạt sang một bên” để đạt được mục tiêu tiết kiệm
Mất bao lâu để đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình
Hãy xem bảng dưới đây như một ví dụ để liệt kê các mục tiêu tiết kiệm của trẻ. Bảng được chia thành hai cột: ngắn hạn và dài hạn. Các mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu có thể đạt được trong vài tuần hoặc vài tháng. Các mục tiêu dài hạn có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để đạt được (một vài gợi ý đã được điền vào các cột này). Khi một đứa trẻ còn nhỏ, chúng có thể chỉ có những mục tiêu ngắn hạn và chưa thật sự hiểu được khái niệm tháng, năm. Việc này chẳng sao cả. Những mục tiêu ngắn hạn đủ để giúp trẻ làm quen với việc tiết kiệm. Ví dụ, một học sinh tiểu học đặt mục tiêu tiết kiệm và đạt được trong vòng vài tuần hoặc một tháng, vì khung thời gian này khá dễ hiểu với trẻ. Điều quan trọng là phải có mục tiêu để trẻ hình thành thói quen tiết kiệm.
Ngay khi trẻ đã xác định được mục tiêu tiết kiệm mà con muốn, đây là lúc cha mẹ “nhập cuộc” giúp trẻ định giá những mục tiêu này. Ví dụ, nếu mục tiêu tiết kiệm của trẻ là một chiếc xe đạp mới, hãy đảm bảo rằng trẻ đã đặt ra một con số hợp lý, và cân nhắc cả những chi phí liên quan, ví dụ như một chiếc mũ bảo hiểm mới hoặc bộ đai an toàn mới cũng sẽ rất cần thiết khi con có một chiếc xe đạp.
Theo dõi chi tiêu của trẻ
Người tiết kiệm hiệu quả là người luôn biết được dòng tiền của mình đi đâu. Nếu trẻ được phát tiền tiêu vặt, hãy gợi ý trẻ mỗi ngày viết ra giấy số tiền chi tiêu và cộng lại vào cuối tuần, đây có thể là một trải nghiệm thú vị, mở mang tầm mắt. Khuyến khích trẻ suy nghĩ về cách chi tiêu và chỉ ra hướng đạt được mục tiêu tiết kiệm nhanh hơn khi trẻ thay đổi hình thức chi tiêu.
Những sai lầm là điều khó tránh khỏi
Con đã tiêu hết tiền và muốn có thêm? Hãy nắm bắt “thời cơ” này để dạy con về tiền bạc. Một tình huống giả định thế này: con có một số tiền, nhưng đã tiêu hết ở cửa hàng đồ chơi. Lúc này, con lại muốn mua một món gì đó ở cửa hàng đồ chơi nhưng không có tiền. Cha mẹ sẽ làm thế nào? Đừng lo lắng. Thay vào đó, hãy nắm bắt “thời cơ” này. Một trong những việc giúp một đứa trẻ tự kiểm soát tiền bạc là để chúng học hỏi từ những sai lầm của mình. Chúng ta tuy có thể can thiệp và hướng trẻ tránh khỏi những lần tiêu tiền tốn kém, nhưng nếu con đã lỡ một lần “vung tay quá trán”, hãy sử dụng sai lầm đó như một bài học tài chính đáng giá. Bằng cách này, trẻ sẽ biết nên hay không nên làm gì với số tiền của chúng trong tương lai.
Cruze đưa ra lời khuyên: “Hãy dạy con rằng khi con tiêu hết tiền, chắc chắn món tiền đó sẽ không quay trở lại nữa. Những bước đầu dạy con luôn là thời điểm khó khăn, nhưng về lâu dài, bạn đang dạy trẻ tránh xa lối sống “vung tay quá trán” (chi tiêu vượt quá mức thu nhập) – và đó là cách duy nhất để trẻ làm chủ tiền bạc.” Tất nhiên, trẻ sẽ mắc sai lầm tài chính trong hành trình lớn khôn, nhưng tốt nhất là để trẻ mắc những sai lầm đó dưới sự giám sát của bạn.
Quản lý tài chính là kỹ năng đòi hỏi sự trau dồi không ngừng
Tiền là công cụ có thể ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của một người, nhưng nếu không quản lý tiền bạc đúng cách, nó sẽ nhanh chóng trở thành gánh nặng. Trẻ em nên được tiếp xúc với các hoạt động liên quan đến tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta cũng không thể đảm bảo rằng trẻ có thể duy trì thói quen sử dụng tiền bạc đúng đắn mãi hay không. Tuy nhiên, phụ huynh nên hiểu rằng cung cấp cho con tất cả các kiến thức cần thiết là cách giúp con đạt được thành công tài chính trong tương lai. Dạy kỹ năng kiếm tiền, và xài tiền cho con sẽ thúc đẩy những thói quen lành mạnh trong suốt cuộc đời của con.
Dạy con về tiền bạc cũng tương tự như dạy con về lòng tốt, cách cư xử, hoặc cách đứng lên từ thất bại, không chỉ là một bài học ngắn hạn kết thúc bằng một bài thi. Quá trình đó phải diễn ra liên tục và là một trong những bài học quan trọng nhất mà cha mẹ có thể trang bị cho con.
Tài liệu đọc thêm cho cha mẹ
Một vài tựa sách và nguồn tài liệu hữu ích dành cho phụ huynh trên hành trình dạy con về tài chính:
Nếu quý vị có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn chúng tôi khai thác, vui lòng để lại bình luận bên dưới. Quý vị cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho cha mẹ TẠI ĐÂY.