Tìm sự đồng điệu trong ngôn ngữ

Nội dung

Đó là buổi học cuối cùng của lớp. Trong giờ đọc sách, tôi – giáo viên – và em – cậu học sinh lớp 4 – ngồi bệt xuống đất bên nhau, xung quanh chúng tôi la liệt các tờ giấy với nhiều nét vẽ nghuệch ngoạc trên đó, kế bên là những cây bút chì đủ màu. Trên tay chúng tôi là sách tiếng Anh. Em ngồi sát vào tôi, đọc cho tôi những câu từ tiếng Anh trong cuốn sách một cách thật chậm rãi. Thường thì chúng tôi sẽ luân phiên đọc cho nhau, nhưng hôm nay em thậm chí còn tranh đọc với tôi nữa cơ. Thỉnh thoảng em sẽ đứng dậy chạy vòng quanh lớp để kiếm tìm đáp án cho câu hỏi mà tôi vừa mới đặt ra. Chúng tôi ngồi bên nhau, cùng đọc, cùng thảo luận, như những người bạn. Khuôn mặt tinh nghịch của em hôm nay chăm chú trên từng câu chữ trong cuốn sách, khác xa hoàn toàn với những từ mà người lớn đã từng gán cho em như “tăng động”, “cá biệt”, “phá phách”,…

Trong cuốn sách “The Little Prince” (“Hoàng Tử Bé”) của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry có một câu như thế này:

“Grown-ups never understand anything by themselves, and it is tiresome for children to have to explain things for them always and forever.”

(Người lớn chẳng bao giờ tự hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con khi cứ phải giải thích cho họ.)

Vâng, đúng thế thật. Và cảm ơn các em, những cô cậu nhóc tì, vì đã giúp tôi học được cách trân trọng sự khác biệt giữa mỗi cá thể và tìm được ngôn ngữ phù hợp để đồng điệu suy nghĩ với nhau.

Tôi thường được nghe một số phản ảnh về học sinh trước khi nhận các em vào lớp, nhất là các em được gán mác “cá biệt”, thường là từ phụ huynh và từ các giáo viên trước đó. Đó là em không thể ngồi yên dù chỉ một phút, có em lại rất dễ mất tập trung, em khác rất rụt rè và tự ti, vân vân và vân vân. Nhiều người còn cho tôi lời khuyên như cô giáo cần phải nghiêm khắc với các em, cô giáo cần phải dỗ dành các em thì các em mới chịu ngồi yên học. Mà thường thì… ờ… đúng là vậy thật!

Những ngày đầu nhận lớp, tôi quay cuồng, luống cuống khi thấy em không thể ngồi yên và hoàn thành vài câu văn ngắn mà cứ luôn cố gắng gây náo động trong lớp vào những lúc mà tôi bận tay. Em khác lại sợ sai nên không dám nói gì. Và việc ngồi yên để đọc sách tiếng Anh và chú tâm luyện tập kĩ năng đọc cũng như thể hiện quan điểm cá nhân thông qua câu chuyện trở thành một thử thách vô cùng khó khăn với các em.

Nhưng dù các em có gây khó khăn cho tôi như thế nào, tôi cũng không cho phép mình nghĩ rằng các em là học sinh “cá biệt”. Howard Gardner, nhà tâm lý học nổi tiếng của đại học Harvard, nhận định rằng có 9 loại thông minh khác nhau dựa trên kĩ năng và khả năng. Chẳng hạn nếu trẻ sở hữu trí thông minh logic-toán học (Logical Intelligence) thì sẽ vượt trội hơn khi học Toán và Khoa học. Nếu trẻ có thiên hướng cơ thể vận động (Bodily-Kinesthetic Intelligence) sẽ thích các hoạt động cần nhiều năng lượng. Hay trẻ có trí thông minh tự nhiên (Naturalistic Intelligence) sẽ thích hòa mình vào thiên nhiên hơn là bị đưa vào căn phòng với 4 bức tường xi măng ngột ngạt.

Mỗi đứa trẻ sẽ có những thế mạnh khác nhau và những điểm đó sẽ được phát huy tối đa khi trẻ được đưa vào môi trường phù hợp. Vậy thì có gì sai khi trẻ có mất tập trung trong lớp nhiều hơn một chút, có rụt rè nhút nhát nhiều hơn một chút? Khuyết điểm chỉ có thể được khắc phục khi ưu điểm được khuyến khích để phát triển. Chúng ta, những người lớn, thay vì gán cho trẻ những dán nhãn bằng tính từ mang nghĩa tiêu cực, trước hết nên hiểu và chú trọng vào thế mạnh của trẻ và học cách chấp nhận sự khác biệt về tính cách. Bước tiếp theo, chúng ta cần phải tìm được ngôn ngữ phù hợp để đối thoại với trẻ. Đó không chỉ là ngôn ngữ thành tiếng thành lời, mà là ngôn ngữ trẻ cảm thấy thoải mái nhất và thể hiện được bản thân mình nhiều nhất.

Với cậu bé ở phần đầu bài viết, thay vì ngồi yên tại bàn học để đọc sách cùng giáo viên, em được ngồi bệt xuống đất, được lăn lộn trên sàn nhà, được học từ vựng qua một trò chơi truy tìm kho báu, được nhập vai vào một nhân vật trong cuốn sách và diễn kịch. Tôi muốn dạy các em học tiếng Anh bằng ngôn ngữ của riêng em. Và cũng bằng cách đó, chúng tôi có được tiếng nói chung, chúng tôi trở thành bạn của nhau một cách thật tự nhiên.

Cá nhân hóa việc học không chỉ là tìm đúng giáo trình, kiến thức phù hợp với năng lực của trẻ. Cá nhân hóa việc học còn bao gồm cả việc tìm kiếm đúng hình thức truyền đạt kiến thức để trẻ vừa có thể là chính mình mà vẫn tiếp thu được một cách tối đa. Vậy thì, trong chặng đường nên người của trẻ, cả giáo viên và phụ huynh, với tất cả sự thương yêu chân thành, nên học cách trân trọng sự khác biệt và kiên nhẫn để tìm được ngôn ngữ phù hợp nhất khi giao tiếp với trẻ. Để rồi từ từ, trẻ sẽ mở lòng ra và sẵn sàng bước vào thế giới.

“Ai thích nói, ai thích cười
Và ai thích sống như người tự do
Ai thích robot thật to
Ai thích viên nhỏ hơn nho lăn tròn
Ai thích trèo lên núi non
Ai thích chỉ một cỏn con căn phòng
Ai thích học để cho xong
Ai thích bài học vì mong học bài
Ai thích đi chặng đường dài
Ai thích du lịch đến mai là về
Ai thích ngậm viên kẹo C
Ai không phân biệt được bê với bò
Ai thích thao thức tò mò
Còn ai thường thấy ngủ khò thích hơn
Ai thích hơi tí giận hờn
Và ai thì thích cảm ơn mọi người
Còn ai thích ông mặt giời
Giơ tay lên để cùng bơi theo nào”

(“Thích”, Nguyễn Thế Hoàng Linh)


Để lại ý kiến