Trước Khi Cho Con Học Homeschool, Tìm Hiểu Ngay 5 Mô Hình Giáo Dục Homeschool Phổ Biến Nhất!

Cân nhắc cho con học homeschool tại nhà?

Homeschool - giáo dục tại gia đang trở thành chương trình được các gia đình săn đón nhất, đặc biệt là vào năm Covid hiện nay. Từ khi đại dịch COVID-19 trở nên căng thẳng, nhiều phụ huynh đã cân nhắc đến việc cho con dừng đến trường một học kỳ, thay vào đó, chuyển hướng sang chương trình giáo dục tại gia (homeschool). Trong năm học 2020 - 2021, hầu hết các bậc phụ huynh xem đây là lựa chọn thay thế cho việc đi học bình thường như thời điểm trước dịch bệnh.

Nhiều giải pháp cho học sinh đến trường an toàn nhằm nỗ lực hạn chế lây lan vi rút đã được đưa ra như đeo khẩu trang khi đi học, học trực tuyến, hoặc thậm chí dời thời điểm bắt đầu năm học. Đứng trước các giải pháp trên, nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn liệu tình huống phải lựa chọn “kiểu đến trường” này có nằm trong khả năng kiểm soát của họ hay không.

Mặt khác, dù mang nhiều tính ưu việt như chi phí hợp lý, sự linh hoạt, chương trình homeschool vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Quyết định cho con học tại nhà đồng nghĩa với việc phụ huynh sẽ phải vừa đóng vai trò giáo viên, vừa là người chăm trẻ.

Do đó, để đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý, các bậc phụ huynh nên nghiên cứu kỹ về các mô hình giáo dục homeschool hiện có. Những thuật ngữ, phong cách học tập từ các chương trình homeschool khác nhau sẽ khiến quý phụ huynh bối rối, đặc biệt khi khái niệm giáo dục homeschool còn quá xa lạ với các gia đình. Trong bài viết này, Everest Education sẽ giúp gia đình làm quen với các kiểu giáo dục homeschool khác nhau trước khi đưa ra quyết định phù hợp cho con.


1. Giáo dục tại gia - Homeschool là gì?

Chương trình Giáo dục tại gia - Homeschool là chương trình giáo dục mà học sinh sẽ học tập tại nhà. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả mọi giờ học đều phải diễn ra tại nhà, homeschool được hiểu chính xác hơn là chương trình mà cha mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát được chọn chương trình học nào cho con, học như thế nào và vào lúc nào.

Homeschool là một hình thức giáo dục khác biệt với các lớp học truyền thống - nơi tập trung vào nền giáo dục tổng quát, một chiều. Ngược lại, môi trường học tập theo kiểu homeschool được cá nhân hóa, tập trung vào từng cá nhân. Ví dụ, nếu trẻ đang gặp khó khăn trong việc đọc hoặc viết, cha mẹ hoàn toàn có thể dành thời gian tập trung dạy con đến khi nắm vững các kỹ năng này. Tương tự, nếu trẻ có năng khiếu trong môn toán hay môn khoa học, homeschool giúp phụ huynh cho trẻ một giáo trình “tăng tốc” nhiều thử thách hơn thay vì duy trì tốc độ như các bạn cùng lớp hay chương trình trên lớp lại quá dễ với trẻ.

Một trong những lợi ích to lớn của homeschool là sự linh hoạt trong việc tùy chỉnh giáo trình học của con dựa theo quan điểm giáo dục riêng biệt, nhu cầu cụ thể của con và thậm chí là tự xây dựng nên một môi trường học tập mà phụ huynh cho là lý tưởng với con nhất. Trong giáo dục homeschool, cha mẹ có thể là người trực tiếp giảng dạy, hoặc cũng có thể kết hợp với gia sư và các trung tâm hỗ trợ bên ngoài.

2. 5 Mô Hình Homeschool Phổ Biến Cha Mẹ Nên Biết

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia một chương trình học độc lập diễn ra ngay tại nhà với giáo trình có sẵn và sự hỗ trợ trực tuyến từ những giáo viên đã có bằng cấp. Phụ huynh cũng có thể tự dạy con học hoặc tham gia vào nhóm các gia đình có con theo học homeschool khác trong khu vực. Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn chương trình homeschool, nhưng nhìn chung, các chương trình homeschool chính thường thuộc 5 mô hình sau:

1. Mô hình Truyền thống - School-at-Home

Mô hình này chính là “mang trường về nhà” với sách bài tập và sách giáo khoa, các bài tập, bài kiểm tra tương tự như trường học truyền thống. Trong sách bài tập có các câu hỏi trắc nghiệm, điền vào chỗ trống và thường được dùng nhằm bổ trợ kiến thức từ sách giáo khoa.  

Phụ huynh có thể mua một chương trình homeschool toàn diện bao gồm tất cả các môn học cho các cấp lớp tùy nhu cầu. Có rất nhiều chương trình để lựa chọn, vì vậy hãy tìm hiểu trước các chỉ dẫn cũng như các tài liệu đi kèm để biết chi phí đó có phù hợp hay không. Các chương trình phổ biến cho trẻ học homeschool gồm Time4Learning, Oak Meadow, Abeka và Alpha Omega.

Ưu điểm của mô hình này là các gia đình homeschool chủ động về giáo trình và thời điểm hợp lý để trẻ học. Điều này giúp cho việc bắt đầu học homeschool nhẹ nhàng hơn. Khuyết điểm của mô hình này là đòi hỏi giáo viên và phụ huynh phải trao đổi với nhau thường xuyên, và các bài học truyền thống thường kém thú vị với trẻ.

2. Mô hình Unit Studies - Học theo chủ đề

Trong khi một số phụ huynh thích cấu trúc của một chương trình homeschool “trọn gói”, nhiều phụ huynh khác lại lựa chọn chi trả cho các chương trình homeschool được chia nhỏ theo chủ đề (ví dụ, chương trình toán hoặc ngữ văn) và áp dụng tăng cường học thực hành đối với các môn học khác. Với mô hình này, các gia đình chọn một chủ đề học và kết hợp đào sâu chủ đề đó qua nhiều các môn học khác nhau. Các bài học sẽ chọn một chủ đề trọng tâm và kết hợp tất cả các môn học (như ngữ văn, lịch sử, khoa học, âm nhạc, nghệ thuật, v.v.) khai thác chủ đề đó. Ví dụ: Học theo chủ đề Những nhà tiên phong của Mỹ (American Pioneers) sẽ kết hợp các nghiên cứu lịch sử/xã hội và khoa học, toán học, chính tả, địa lý, ngữ văn, v.v. Thậm chí có thể kết hợp nghệ thuật, âm nhạc và giáo dục thể chất. Nhiều trẻ homeschool học theo mô hình này sử dụng giáo trình môn toán và ngữ văn riêng biệt, còn các môn còn lại sẽ theo hình thức học theo chủ đề. 

3. Mô hình Cổ điển - Classical Homeschooling

Mô hình giáo dục homeschool cổ điển dựa theo ba giai đoạn, được gọi là Trivium.

  • Giai đoạn grammar - cấu trúc căn bản: tập trung vào việc ghi nhớ các công thức của các môn học như toán học, ngữ pháp, khoa học, v.v. và tiếp thu kiến thức ở mọi chủ đề. Giai đoạn này thường tập trung cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi.
  • Giai đoạn dialectic - biện chứng: tập trung nhiều hơn vào việc áp dụng logic vào kiến thức đã học và sử dụng các công cụ như tranh luận, viết, thảo luận và giải quyết vấn đề để hiểu sâu các kiến thức đã học. Giai đoạn này thường tập trung cho trẻ từ 10 đến 12 tuổi.
  • Giai đoạn rhetoric - hùng biện: tập trung vào các chủ đề và việc học ở mức độ khó hơn, thử thách hơn; đồng thời giúp học sinh phát triển và trau dồi khả năng sử dụng ngôn ngữ. Giai đoạn này là trọng tâm khi con bước sang tuổi thiếu niên.

4. Mô hình Unschooling - Không đến trường hay Phi trường học

Mô hình này còn có tên gọi khác là child-led learning (tự học), thường gắn với các sở thích của trẻ. Ví dụ, sở thích làm vườn thúc đẩy trẻ nghiên cứu sâu về các chủ đề như quang hợp, thụ phấn và chuỗi thức ăn. Hay khi trẻ quan tâm đến tên lửa, có thể giới thiệu cho trẻ loạt các chủ đề vật lý, khí động học và nhiệt động lực học. Cách học này gắn liền với thực hành, như một phần của cuộc sống sinh hoạt, thông qua việc đọc, và không nhất thiết phải dựa vào sách giáo khoa và sách bài tập.

Lợi thế của mô hình Unschooling là cho trẻ nhiều thời gian và năng lực nghiên cứu để trở nên vững vàng trong các lĩnh vực mà trẻ quan tâm. Điểm yếu của Unschooling là khiến trẻ gặp khó khăn với lịch học khi muốn chuyển sang giáo dục chính quy tại trường, vì mô hình này không hề gò bó các em trong một thời khóa biểu nào cả.

5. Mô hình Charlotte Mason

Mô hình Charlotte Mason tập trung vào việc sử dụng những cuốn sách sống động, sử dụng các nguồn tài liệu phong phú để giảng dạy thay cho những cuốn sách giáo khoa “nhạt nhẽo” và chỉ đơn thuần là tổng hợp kiến ​​thức. Thay vì chỉ làm bài tập hay trả lời câu hỏi cuối sách, mô hình này đòi hỏi trẻ kể lại hoặc thuật lại kiến thức nhớ được sau khi học. Chương trình bao gồm loạt các chủ đề trải dài trong tuần trong các bài học ngắn, thú vị. Với loại hình học tập này, trẻ không chỉ được học những kiến ​​thức cơ bản về học thuật, mà còn được kết hợp khám phá nghệ thuật, âm nhạc và tự nhiên. Mô hình Charlotte Mason cũng nhấn mạnh đến thực hành, các bài học thủ công.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

3. Mô Hình Homeschool Nào Tốt Nhất?

Mặc dù có nhiều cách khác nhau để học tại nhà, nhưng cách tiếp cận phù hợp sẽ phụ thuộc nhiều vào mục tiêu của từng gia đình. Một số phụ huynh sẽ cho con trở lại lớp học sau thời gian ngắn học tại nhà vì lý do khách quan, vì vậy họ chọn hình thức homeschool nhằm mở rộng trải nghiệm ở trường. Những gia đình khác có con em mất hứng thú học tập do trải nghiệm giáo dục hạn chế sẽ muốn thay đổi phương pháp giáo dục đó và tìm đếnhomeschool. Một số gia đình thậm chí đã sẵn sàng biến thời gian học tại nhà thành một cuộc phiêu lưu của cả gia đình!

Điều đó có nghĩa là mô hình homeschool “tốt nhất” chỉ đơn giản là mô hình có thể đáp ứng được các tiêu chí cụ thể của từng gia đình. Cha mẹ hãy cố gắng xem xét những khía cạnh khác nhau của các mô hình homeschool trước khi lựa chọn phong cách phù hợp với gia đình mình nhất.

Nếu quý phụ huynh có bất kỳ thắc mắc nào về homeschool, hãy liên lạc với chúng tôi. Everest Education mang đến các chương trình hỗ trợ homeschool trực tuyến dựa theo nhu cầu và mục tiêu cá nhân của các em để đồng hành cùng các em học sinh trên hành trình tri thức này. Tìm hiểu thêm về chương trình của chúng tôi tại đây.

Nguồn tham khảo:

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí