3 phương pháp dạy con phát triển tư duy cầu tiến

(Nội dung bài viết được trích từ website Mindsetkit.org,
vui lòng truy cập trang web nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “Tư duy cầu tiến” (Growth Mindset) cũng như tham khảo các hoạt động thực tiễn giúp trẻ phát triển tư duy cầu tiến)

Growth mindset (Tư duy cầu tiến) cho là phẩm chất quan trọng giúp học sinh học tốt hơn các môn học ở trường. Có đúng không? Tại sao? Và làm thế nào cha mẹ có thể giúp con phát triển tư duy cầu tiến?


Tư duy cầu tiến là gì?

Theo Carol Dweck – giáo sư tâm lý học đồng thời cũng là một trong những nhà nghiên cứu về động lực của con người nổi tiếng nhất thế giới, “Tư duy cầu tiến là khi học sinh hiểu rằng khả năng của các em là vô hạn”.

Những người có tư duy cầu tiến thường tin rằng trí thông minh có thể phát triển, trong khi những người khác, có tư duy bảo thủ (Fixed mindset), lại cho rằng trí thông minh của mỗi người là có sẵn.

Họ tin rằng, mỗi người sinh ra đã có trí thông minh khác nhau, và chúng ta không thể cố gắng thay đổi nó được. Những người có tư duy cầu tiến cho rằng trí thông minh cũng giống như cơ bắp: khi chúng ta nỗ lực và biết cách thử thách bản thân, chúng ta sẽ trở nên thông minh hơn, tương tự như việc dành nhiều thời gian tập thể dục, nâng vật nặng, luyện tập mỗi ngày… sẽ khiến cơ bắp dẻo dai, khoẻ khoắn hơn.

Tư duy cầu tiến quan trọng như thế nào?

1. Tư duy cầu tiến giúp học sinh học tập tốt hơn

Những đứa trẻ có tư duy cầu tiến hiểu rằng bộ não của chúng ta là thứ có thể phát triển, và các em thường có kết quả học tập cao hơn ở trường Đó là bởi các em có thái độ đúng đắn đối với việc học. Các em tập trung khắc phục điểm yếu và nỗ lực rèn luyện khả năng của mình. Các em hiểu được để có thể học tốt thì việc mắc phải sai lầm là chuyện rất bình thường.

Ngược lại, học sinh có tư duy bảo thủ – cho rằng trí thông minh mỗi người khó mà thay đổi được – thường sẽ bị quá tập trung đến suy nghĩ của người khác. Các em thích chứng tỏ rằng mình giỏi và thường có xu hướng che giấu điểm yếu của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các em thường tránh những tình huống mà các em có thể làm sai hoặc phải làm việc chăm chỉ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có tư duy cầu tiến thường phản ứng hoàn toàn khác mỗi khi rơi vào tình huống khó khăn, và những em này thường có kết quả học tập rất tốt suốt nhiều năm liền. Một nghiên cứu đã quan sát một nhóm học sinh cấp 2 để so sánh ảnh hưởng của tư duy cầu tiến và tư duy bảo thủ đối với môn toán – môn học được cho là rất khó đối với hầu hết các em học sinh. Kết quả cho thấy, các em học sinh có tư duy cầu tiến có điểm toán trung bình cao hơn hẳn những em học sinh còn lại.

2. Tư duy cầu tiến giúp học sinh biết học hỏi từ chính thất bại của mình

Tư duy cầu tiến dạy cho học sinh biết quan tâm đến quá trình, thay vì kết quả. Chúng ta có thể thấy điều này nếu nhìn sâu vào bộ não. Trong một nghiên cứu khác, những nhà khoa học đưa một nhóm người vào phòng thí nghiệm. Họ cho mỗi người đội một chiếc mũ EEG (điện não đồ) để theo dõi phản ứng của bộ não. Trong khi các nhà khoa học đang quan sát hoạt động của não bộ, người tham gia sẽ được hỏi một vài câu đố mẹo. Họ trả lời, và những nhà khoa học sẽ cho biết họ trả lời đúng, hay sai. Các nhà khoa học nhận ra rằng, não bộ của tất cả người tham gia đều dao động mỗi khi họ được cho biết câu trả lời của họ có đúng hay không. Hay nói cách khác, tất cả người tham gia đều chú ý đến sự đúng/ sai về câu trả lời của họ. Điều thú vị là những gì diễn ra sau đó: sau khi cho người chơi biết họ trả lời đúng hay sai, họ sẽ được cho biết đáp án đúng. Một lần nữa, các nhà khoa học lại quan sát hoạt động não bộ của những người tham gia. Kết quả là, bộ não của những người có tư duy cầu tiến hoạt động mạnh mẽ hơn hẳn bộ não của những người còn lại. Những người có tư duy bảo thủ phản ứng rất mạnh khi bị đánh giá câu trả lời, nhưng lại không mấy quan tâm đến việc học đáp án đúng. Cuối buổi nghiên cứu, các nhà khoa học yêu cầu tất cả những người tham gia làm một bài kiểm tra ngắn về những câu hỏi đố mà họ đã được hỏi trước đó. Kết quả không mấy ngạc nhiên, những người có tư duy cầu tiến làm tốt hơn rất nhiều.

3 phương pháp dạy con phát triển tư duy cầu tiến

Cách cha mẹ trao đổi với con về cách học cũng như khả năng học tập có ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của đứa trẻ. Dưới đây là ba cách mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp con xây dựng tư duy cầu tiến. Hãy nhớ rằng, phát triển tư duy cầu tiến ở cả cha mẹ và con trẻ là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn. Do vậy, hãy chuẩn bị một tư duy cầu tiến cho việc phát triển tư duy cầu tiến!

#1. Cha mẹ là những người đầu tiên cần thay đổi tư duy: 

Hãy chú ý đến suy nghĩ, hành động của bạn. Trẻ em học tập qua chính lời nói và hành động của người lớn.

Khi chính người lớn chúng ta bắt đầu dành thời gian suy nghĩ về tư duy của mình, hầu hết sẽ nhận ra, trong tư duy của chúng ta cũng đồng thời có những suy nghĩ cầu tiến và suy nghĩ bảo thủ. Thỉnh thoảng chúng ta có thể có những suy nghĩ rất bảo thủ về khả năng toán học hoặc hội hoạ của người khác, và lại cầu tiến đối với vài vấn đề khác. Nếu chúng ta muốn con phát triển tư duy cầu tiến, chúng ta phải thật chú ý đến lời nói và hành động của mình với con. Dưới đây là một vài ví dụ về những câu nói thể hiện tư duy bảo thủ, và ngược lại. Hãy nghĩ xem những câu này có ý nghĩa gì và bạn muốn truyền tải ý nghĩa gì với con thông qua lời nói của mình.

Tư duy bảo thủ

Tư duy cầu tiến

Mình thật ngu ngốc! Mình làm chưa tốt ở điểm nào nhỉ?
Cái này khó quá! Cái này cần mình phải cố gắng nhiều hơn.
Cô ấy thật thông minh. Mình nên học tập chiến lược của cô ấy.
Mình vốn đã rất giỏi làm điều này rồi. Làm thế nào để mình có thể làm tốt hơn nữa?

#2. Khen ngợi nỗ lực: 

Khen ngợi con thông minh cũng có nghĩa là chúng ta đã đánh đồng thành công là do dựa vào trí thông minh tự nhiên. Thay vào đó, hãy tập trung vào quá trình, và giúp trẻ nhìn thấy con đã nỗ lực như thế nào để gặt hái thành công đó.

Chúng ta hay bất giác khen ngợi con thông minh mỗi khi con đạt được thành tích tốt, tuy nhiên sự khen ngợi này thường dễ gây nhầm lẫn. Khi một đứa trẻ hiểu ra một điều gì đó rất nhanh và được khen là thông minh, vậy em sẽ nghĩ gì khi bắt gặp một tình huống khó? Được khen thông minh có thể khiến trẻ hiếu sai rằng, “Nếu mình làm đúng mới được khen là thông minh, vậy khi mình làm sai có nghĩa là mình ngu ngốc.”

Thay vì khen ngợi con thông minh mỗi khi con trả lời đúng, hãy khen ngợi con về cách mà con đã cố gắng để để giải quyết vấn đề khó khăn đó. Điều này sẽ cho trẻ thấy được rằng bạn quan tâm đến nỗ lực, và nỗ lực mới chính là yếu tố dẫn đến thành công.

#3. Trở thành tấm gương biết học hỏi từ thất bại: 

Khi cha mẹ có thể tự tin nói về thất bại, trẻ sẽ bắt đầu hiểu ra thất bại thực ra là điều rất bình thường trên con đường dẫn đến thành công.

Trẻ em thường học hỏi bằng cách bắt chước người khác. Một trong những cách hữu hiệu nhất là thể hiện, chính cha mẹ là những tấm gương của việc không sợ mắc sai lầm và sẵn sàng học hỏi từ mỗi thất bại. Mỗi khi cha mẹ có thể mạnh dạn thừa nhận thất bại của mình, trẻ sẽ bắt đầu hiểu thất bại là điều tự nhiên, rất thực tế, và cần thiết nếu muốn có được thành công. Điều này rất quan trọng để dạy cho trẻ thái độ kiên trì và dám chấp nhận rủi ro đối mặt với khó khăn. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ học cách biết tự kiềm chế và rút ra bài học từ sai lầm của mình thay vì cáu giận, thất vọng hay đổ lỗi cho người khác.

Thái độ cầu tiến, biết học hỏi từ thất bại của người lớn sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong hành vi của trẻ, giúp trẻ hiểu được rằng việc mắc sai lầm cũng chính là một phần tất yếu trong quá trình học hỏi

  1. Em sẽ không còn né tránh những vấn đề khó chỉ vì nó có thể khiến em gặp thất bại.
  2. Em sẽ bớt xấu hổ về thất bại của mình hay tìm cách giấu nó đi bởi em đã không còn nghĩ thất bại là điều đáng xấu hổ.

Một ví dụ mà cha mẹ có thể thử là, trong bữa tối, hãy kể cho con nghe về một thất bại nào đó của bạn, nó đã khó khăn như thế nào, bạn cảm thấy như thế nào, và đã vượt qua nó ra sao, học được điều gì. Sau đó, bạn có thể thử hỏi con rằng liệu con có đang gặp khó khăn nào không, con đã khắc phục nó như thế nào, và rút ra được bài học gì.

Thời gian đầu, việc rèn luyện tư duy cầu tiến có thể rất khó khăn, nhưng cũng rất xứng đáng bởi khoa học đã chứng minh, bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của con cái. Hãy nhớ rằng phát triển tư duy cầu tiến ở cả bạn và con bạn là cả một quá trình dài. Do vậy, đừng thất vọng nếu sự việc có xảy ra không theo ý muốn của bạn. Chúng ta đều trở nên tốt hơn nhờ luyện tập và học hỏi từ những sai lầm. Hay nói cách khác, hãy có một thái độ thật cầu tiến để phát triển tư duy cầu tiến.

Mindsetkit.org

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí