4 yếu tố cha mẹ cần cân nhắc trước khi đăng ký cho con học trực tuyến

Trong những nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút Corona, nhiều trường học và các tổ chức giáo dục trên khắp thế giới đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Ở thời đại khủng hoảng vì vi rút, việc học tập ngày càng hướng đến không gian trực tuyến hơn. Thay vì cho con đến các lớp học truyền thống, nhiều cha mẹ đã tìm kiếm những nguồn tài liệu học tập trực tuyến, các trang web và ứng dụng để trẻ có thể học hỏi thêm tại nhà. Hiện nay, có rất nhiều trường học và các công ty đang đầu tư cung cấp giải pháp học tập trực tuyến.  

Bởi trong thời gian chống dịch, lớp học trực tuyến dường như là giải pháp duy nhất hiện tại để trẻ tiếp tục học tập, nhiều cha mẹ hẳn đang cân nhắc đăng ký một khóa học trực tuyến cho con. Tuy nhiên, với nhiều khóa học trực tuyến đang được quảng cáo tràn lan với những thông tin chưa được xác thực, cha mẹ cần phải nghiên cứu thật kỹ cũng như có những hiểu biết nhất định về chương trình học mà bạn dự định cho trẻ tham gia.

Trong bài viết này, E2 sẽ cung cấp cho cha mẹ 4 câu hỏi quan trọng – 4 yếu tố mà bạn nên cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn một khóa học trực tuyến cho con.

Khóa học trực tuyến tốt cần có những gì

Những khóa học trực tuyến tốt nhất là những lớp học có thể mang lại chất lượng và hiệu quả tương tự một lớp học truyền thống. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ tận dụng công nghệ hiện đại để tạo ra môi trường học thu hút, dễ tiếp cận. Đối với giáo dục từ xa, thu hút được học sinh tham gia vào bài học là điều quan trọng nhất, đặc biệt là khi khả năng tương tác giữa học sinh và giáo viên, học sinh và bạn học, bị hạn chế. 

Những lớp học online hiệu quả hiện nay là những lớp học có thể cho phép, khuyến khích học sinh tương tác, tham gia vào bài giảng, áp dụng công nghệ hiệu quả để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận được với các nguồn tài liệu học tập, có cơ hội được kèm cặp riêng, được giao tiếp với bạn bè.

Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể sử dụng để đánh giá khi tham khảo một lớp học trực tuyến cho trẻ:


1. Lớp học được thiết kế như thế nào?

Học trực tuyến không nên là trải nghiệm học một sớm một chiều mà cần được diễn ra liên tục, đều đặn. Những khóa học trực tuyến chất lượng luôn tìm cách đổi mới và sáng tạo để giúp học sinh chú ý và yêu thích việc học. Một số khóa học chưa được trang bị đầy đủ công nghệ hiện đại, chỉ có một hình thức học duy nhất lặp đi lặp lại, dễ khiến học sinh nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Do đó, cha mẹ nên tìm kiếm những khóa học có sự đầu tư đổi mới vào mô hình dạy trực tuyến, có nhiều chức năng cho phép học viên được tương tác nhiều hơn, hay thậm chí có thể kết hợp với các phương tiện truyền thông khác để tạo ra trải nghiệm học tập tuyệt vời cho trẻ.

Đối với mô hình học trực tuyến, công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm học của học sinh. Khi con học online, chất lượng video, audio, hình ảnh, thiết kế bài học là những yếu tố vô cùng quan trọng giữ các em tập trung ngồi học. Trước khi quyết định đăng ký một lớp học online cho trẻ, tốt nhất cha mẹ nên yêu cầu để con có thể học thử trước, kiểm tra xem chất lượng lớp học như thế nào và công nghệ họ áp dụng ra sao.

Liệu trang web và các tài liệu học tập của lớp có dễ dàng tiếp cận không, có phục vụ được nhu cầu học tập đa dạng của nhiều học sinh không? Nếu con bỏ lỡ mất một buổi học, có cách nào để con xem lại phần bài học con đã bỏ lỡ cũng như xem lại bài tập về nhà được giao không? Nếu con gặp phải vấn đề về kỹ thuật trong giờ học, có công cụ nào để con có thể nhận được sự giúp đỡ ngay lập tức không?

Ngược lại, một số khoá học lại áp dụng công nghệ quá rắc rối, khiến trải nghiệm học trực tuyến trở nên phức tạp hơn. Buộc học sinh phải tải quá nhiều ứng dụng và cài đặt công cụ sẽ gây ra tác dụng ngược. Các em sẽ dễ dàng thấy mệt mỏi và nản lòng nếu ứng dụng hoạt động không suôn sẻ, hay phải mất nhiều thời gian sửa các lỗi kỹ thuật và không còn nhiều giờ để học. Thay vào đó, hãy tìm kiếm những khoá học sử dụng công nghệ hiện đại nhưng thân thiện, dễ hiểu, đáng tin cậy, có thể hoạt động được trên nhiều trình duyệt và thiết bị. Trẻ nên hiểu được hoàn toàn cách sử dụng ứng dụng cũng như làm thế nào để tiếp cận với các nguồn tài liệu mà con cần.

2. Lớp học có sĩ số bao nhiêu?

Số lượng học sinh một lớp cũng là yếu tố quan trọng đáng được cân nhắc. Khi giáo viên phải quản lý càng nhiều học sinh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khó dạy tốt hơn. Sĩ số học sinh sẽ phần nào phản ánh một lớp học có chặt chẽ không và giáo viên có bao nhiêu thời gian cho từng em để đảm bảo em được theo dõi sát sao.

Khoá học có thu hút nhiều học viên không? Tỷ lệ giáo viên và học sinh như thế nào? Cha mẹ cần chú trọng đến việc liệu con sẽ nhận được bao nhiêu sự quan tâm từ thầy cô. Rất nhiều khóa học online hiện nay có giáo viên luôn thường trực trong giờ hành chính, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều khi trẻ có chỗ nào không hiểu, đặc biệt là khi con tham gia các lớp học online có hình thức cho học sinh xem một loạt các video có sẵn, đồng nghĩa với việc học sinh không thể tương tác hay hỏi bài thầy cô ngay lập tức.

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

3. Con có cơ hội được tương tác với thầy cô và bạn học không?

Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của một lớp học online. Một môi trường học trực tuyến tốt phải là môi trường có thể biến việc học thành một trải nghiệm tuyệt vời, thay vì học trong sự chán nản và ép buộc. Khi học online, con nên cảm thấy thích thú, tương tác tốt với các bạn và tích cực tham gia vào bài học. Hãy tìm kiếm xem khoá học mà bạn định đăng ký cho con có đáp ứng được điều này không. Nền tảng lớp học có cho phép trẻ tương tác với giáo viên và những em học sinh khác không? Con có được làm bài tập hay thảo luận nhóm không? Học online là hình thức học khá độc lập, vì vậy các hoạt động nhóm là rất cần thiết để trẻ ý thức được mình vẫn thuộc về một tập thể và cảm nhận được tinh thần bè bạn trong lớp. Nhờ tương tác với bạn học, con sẽ học được nhiều điều về cách làm việc nhóm, khả năng hợp tác. Ngoài ra, việc luyện thi, chuẩn bị cho các bài kiểm tra cùng bạn đồng lứa, ngay cả khi chỉ qua hình thức trực tuyến, cũng sẽ giúp ích cho con để có thể hoàn thành khóa học và đạt được kết quả tốt nhất. Ngày nay, công nghệ giáo dục trực tuyến hiện đại, trẻ đã có thể tương tác với giáo viên và bạn học một cách tự nhiên, xóa bỏ bớt rào cản địa lý dù không được tiếp xúc trực tiếp.

4. Trình độ của giáo viên như thế nào?

Đây không chỉ là về vấn đề bằng cấp, số năm kinh nghiệm, mà còn là khả năng tương tác, truyền cảm hứng cho học trò. Vì thiếu vắng những tương tác trực tiếp, khả năng “lôi kéo” học sinh của người làm thầy làm càng quan trọng hơn. Dạy học là quá trình đòi hỏi sự tương tác qua lại liên tục. Do vậy, những hướng dẫn của giáo viên là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với mô hình học trực tuyến. Giáo viên phải biết cách quản lý, dẫn dắt cả lớp và giữ cho tất cả cùng chú ý vào bài học.

Cùng là một bài học, nhưng những giáo viên giỏi sẽ có nhiều phương pháp khác nhau để truyền đạt kiến thức cho học sinh, biết vận dụng các hoạt động thực tế, có thể phát hiện và khắc phục ngay những kiến thức sai, và biết điều chỉnh cách giảng dạy phù hợp với khả năng của từng em. Một số câu hỏi mà bạn có thể sử dụng để hiểu rõ hơn về trình độ của giáo viên cũng như phương pháp giảng dạy: Thầy cô có chứng chỉ giảng dạy nào không? Có kinh nghiệm dạy môn học đó không? Phần giảng bài của thầy cô chiếm bao nhiêu thời lượng tiết học? Con có thể tương tác với thầy cô như thế nào? Trường hợp con có câu hỏi hay gặp khó khăn khi làm bài tập, bao nhiêu lâu thì con sẽ nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô? Trình độ của con sẽ được đánh giá như thế nào trong suốt khóa học? Kiến thức con học được có liên hệ với thực tế như thế nào?

Khi nghe thấy các cụm từ như “học trực tuyến”, hay “học từ xa”, “học tại nhà”, nhiều phụ huynh sẽ mường tượng ra cảnh con ngồi một mình trước máy tính, học một cách máy móc, rập khuôn theo kiểu cũ, không được tương tác với thầy cô và bạn bè. Thế nhưng, thực tế là, ngày nay đã xuất hiện rất nhiều lớp học online hiện đại có thể cho phép học sinh ngồi học “trực tiếp” với thầy cô và các bạn khác, tham gia vào các hoạt động nhóm, và làm những bài tập hay ho có liên hệ trực tiếp đến những ví dụ bên ngoài thực tế. Để tìm thấy một khóa học online phù hợp với trẻ, cả về công nghệ lẫn kiến thức, cha mẹ hãy chịu khó nghiên cứu thật cẩn thận, cố gắng hỏi những câu hỏi trọng tâm, tham khảo thêm đánh giá từ những gia đình khác, và nếu có thể, hãy cho phép trẻ được trải nghiệm thử trước khi chính thức đăng ký học.

Nguồn tham khảo:
https://www.greatschools.org/gk/articles/online-classes-middle-and-high-school/
https://verbit.ai/choose-good-online-course

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí