5 bí quyết xây dựng hồ sơ du học từ trung học

Nếu em là một học sinh cấp 3 có mong muốn được đi du học khi lên đại học, đây là thời điểm tốt nhất để thực sự suy nghĩ về hồ sơ du học của mình. Có thể em thấy mình vẫn còn thời gian, nhưng thực chất, quá trình chuẩn bị hồ sơ du học đã bắt đầu từ vài năm trước. Mọi lớp học, hoạt động ngoại khoá, kỳ thi chuẩn hoá mà em đã từng trải qua đều góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến hồ sơ du học của em.

Để giúp học sinh nâng cao cơ hội được nhận vào trường mà các em mong muốn, Everest đã chọn lọc 5 trong 7 chiến lược tốt nhất, được đề nghị bởi U.S.News, giúp các em tạo nên một bộ hồ sơ du học ấn tượng.

Phụ huynh và học sinh có thể đọc tại đây tại đây.

Trong quá trình xét tuyển hồ sơ, phần lớn những quyết định mà các nhà tuyển sinh phải cân nhắc và đưa ra đều nằm ngoài tầm kiểm soát của học sinh. Ví dụ như, trường đang ưu tiên xét tuyển những học sinh thuộc diện nào, ưu tiên bao nhiêu suất cho các sinh viên vận động viên, hay có muốn tuyển nhiều học sinh từ khắp nơi nhằm đẩy mạnh sự đa dạng quốc tế hay không… Vì vậy, điều quan trọng nhất là học sinh cần nắm vững những gì các em có thể kiểm soát được, và học cách “định vị – khiến bản thân mình trở nên khác biệt trong suốt quá trình xét tuyển” - theo bà Eileen Feikens, Giám đốc bộ phận tư vấn trường Dwight-Englewood tại New Jersey.

Tờ U.S.News đã phỏng vấn nhiều cố vấn học sinh, tư vấn viên và những người tham gia trực tiếp vào quá trình tuyển sinh, để đưa ra một vài bí quyết giúp học sinh có thể thành công vượt qua quá trình ứng truyển:


1. Khởi đầu sớm và kết thúc ấn tượng

Các trường đại học luôn muốn nhìn thấy được sự chuẩn bị kỹ càng của ứng viên ngay từ những năm trung học, rằng các em đã cố gắng hết sức để tận dụng mọi cơ hội mà các em có được ngay từ những năm ngồi trên ghế trung học. “Em thực sự cần lập nên một kế hoạch bốn năm’’, theo lời cô Katherine Cohen, tư vấn viên đến từ công ty tư vấn IvyWise – đã bắt đầu làm việc với nhiều gia đình ngay từ khi học sinh vừa kết thúc năm lớp 8. “Cấp 3 không đến một cách ngẫu nhiên. Học sinh cần chủ động tận dụng tối đa thời gian của mình trong những năm học này.”

Nếu học sinh muốn tập trung học giải tích ở năm lớp 12, một trong những chương quan trọng được rất nhiều trường đại học hàng đầu chú trọng, các em nên bắt đầu học hình học ngay từ lớp 10 để có thời gian bắt đầu tìm hiểu giải tích ở năm lớp 11. Nếu gặp khó khăn trong việc theo học các môn học ở trường, học sinh có thể cân nhắc đến việc học thêm các lớp hè, hoặc ôn tập thêm toán, khoa học và ngoại ngữ vào năm lớp 11 và 12. “Chúng tôi hy vọng tìm thấy các em học sinh biết linh hoạt ứng biến với mọi vấn đề.”, Kevin Dyerly, Giám đốc tuyển sinh tại Đại học Whitman chia sẻ.

2. Dám thử thách bản thân

Tuy rằng điểm số vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định của các nhà tuyển sinh, các hoạt động ngoại khoá chính là nhân tố thứ hai không kém phần quan trọng. Trong cuộc khảo sát gần nhất về Tư vấn Tuyển sinh (“State of College Admission”) của Hiệp hội Tư vấn Tuyển sinh quốc gia (the National Association for College Admission Counseling), 66% các nhà tuyển sinh cho biết họ đánh giá cao khả năng dám chấp nhận thử thách của các ứng viên. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những em học sinh dám chấp nhận thử thách, theo học các lớp học khó hơn, thường có cơ hội thành công cao hơn trong tương lai.

Vì vậy, học sinh nên biết cách cân bằng khối lượng học tập cũng như thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá. Hãy cố gắng đảm bảo các em vừa có thời gian để tập trung vào các bài học quan trọng ở trên trường, đầu tư vào các môn học thế mạnh mà các em hứng thú, vừa cân bằng được cuộc sống xã hội cũng như tình trạng sức khoẻ của bản thân.

Greg Roberts, Giám đốc tuyển sinh Đại học Virginiachia sẻ, “Nhiều gia đình đến hỏi tôi rằng con theo học chừng này môn AP liệu có đủ không, nhưng đó không phải là câu hỏi đúng, bởi chẳng có con số nào là hoàn hảo. Các em nên hỏi những câu hỏi như: ‘Thế mạnh của mình là gì? Mình thích học những môn nào? Các bạn học sinh giỏi đang học những môn nào? Lớp học AP nào có cơ hội thử thách bản thân cao hơn, lớp nào không?”

Các nhà tuyển sinh sẽ lượm lặt những chi tiết nhỏ từ học bạ trung học được nộp kèm với hồ sơ du học của các em, trong đó ghi rõ các em đã theo học những môn gì, điểm số như thế nào, hoạt động nào các em đã tham gia…

3. Đừng nộp đơn vào quá nhiều trường cùng lúc

Ví dụ tiêu biểu: Grace Oberhofer, một em học sinh tại trường Nghệ thuật Tacoma ở Washington - Tacoma School of the Arts như Washingtontốt nghiệp năm 2011, đã quyết định nộp đơn vào hơn 10 trường đai học. “Mình muốn có nhiều sự lựa chọn để chắc chắn”, em nghĩ. Kết quả rất như ý, mặc dù bị đưa vào danh sách chờ (waitlist) của Đại học Harvard, nguyện vọng 1 của em, nhưng Grace đã được nhận vào Tulane UniversityOberlin College, Brandeis, Duke UniversitySarah Lawrence College, và Tufts, trường mà Grace hiện tại đang theo học.

Tuy vậy, Grace đã gần như kiệt sức khi phải vừa dành rất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị cho từng bài luận vào từng trường, vừa nỗ lực cân bằng khối lượng bài tập ở trường và cố gắng dành thời gian cho gia đình, bạn bè vào cuối tuần. Thật vậy, một nghiên cứu gần đây của College Board đã chỉ ra rằng, học sinh càng nộp đơn vào nhiều trường, thì áp lực của các em càng lớn. Và bởi vì sức ép lớn như vậy, nên việc nộp đơn vào quá nhiều trường đôi khi lại phản tác dụng.

“Sẽ rất khó để học sinh có thể làm nên một bộ hồ sơ ấn tượng, thể hiện rõ cá tính cũng như quyết tâm được nhận vào trường của các em, nếu các em đang phải chuẩn bị đến 20 bộ hồ sơ cho 20 trường Đại học khác nhau,” theo lời Jeff Pilchiek, Giám đốc cố vấn học sinh Westlake High School ở Austin, Texas.“Sẽ tốt hơn nếu các em chỉ tập trung làm 6 bộ hồ sơ thật ấn tượng, thay vì 12 hay 20 bộ hồ sơ chung chung không mấy nổi bật.”

Khi học tập trở thành niềm vui vô hạn

được nuôi lớn cùng thầy cô và bạn bè chung chí hướng

4. Đừng hoảng sợ nếu bị đưa vào Waitlist – Danh sách dự bị

Học sinh không phải là người duy nhất phải đối mặt với những tình huống khó đoán trước. Các trường đại học hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác số lượng sinh viên sẽ thực sự xuất hiện vào ngày đầu tiên của năm học. Nhiều trường đã bắt đầu chiến lược tuyển thêm học sinh từ danh sách dự bị để đảm bảo đủ số lượng học sinh theo học trong năm.

“Đừng nghĩ rằng bị đưa vào danh sách dự bị là một lời từ chối lịch sự”, tác giả Peter Van Buskirk, trước đây là giám đốc tuyển sinh của Franklin and Marshall College, khuyên. “Rất nhiều nhà tuyển sinh hiện nay cho rằng nếu họ phải nhận bốn đến năm học sinh để có thể tuyển được một em thực sự sẽ theo học, họ thà rằng sẽ nhận thêm học sinh từ danh sách dự bị, khi đó họ chỉ cần nhận vào bốn em thì sẽ có thể tuyển được ba em”, ông giải thích.

Peter cũng khuyên các em học sinh nên giữ liên lạc với bộ phận tuyển sinh và nói rõ ràng các em chắc chắn sẽ theo học nếu được nhận, sau đó gửi thêm bảng điểm hay bằng cấp mới nhất của các em nếu có, hoặc thậm chí dành thời gian đến tham quan trường nếu có thể.

5. Thành thật với bản thân mình

Một ví dụ khác, trong suốt những năm học cấp ba ở trường quốc tế High Tech High International tại San Diego, Nathan Roberts được rất nhiều giáo viên cũng như bạn bè khuyên rằng hãy nộp đơn vào các trường đại học thuộc Ivy League. Vì vậy, Nathan đã quyết định nộp đơn vào Đại học Harvard và Đại học Yale , mặc dù bản thân em cảm thấy hứng thú với các trường học đại cương (liberal arts) có quy mô nhỏ hơn,

Sau khi đến tham quan Đại học Carleton, Roberts nhận ra đây mới là nơi lý tưởng nhất dành cho mình, với bộ môn khoa học thần kinh tuyệt vời, các lớp học nhỏ, chương trình học cá nhân hoá đảm bảo sinh viên nhận được sự theo sát tuyệt đối từ các giáo sư. Đồng thời, trường cũng chú trọng cung cấp các loại học bổng dựa trên tình hình tài chính của gia đình. “Em biết rằng tại đây em sẽ nhận được nền giáo dục tốt nhất hơn bất kỳ nơi nào khác,” Roberts chia sẻ. Em đã được nhận vào danh sách dự bị của cả Harvard lẫn Yale, nhưng đã từ chối khi kết thúc chuyến tham quan Đại học Carleton, nơi Roberts hiện đang theo học năm thứ 3 một cách xuất sắc.

Trường hợp khác, Kira Gressman, một tuần sau khi nhận được rất nhiều lời từ chối từ các trường đại học lớn, đã quyết tâm chỉ tập trung vào một lựa chọn duy nhất – Đại học Colorado với chương trình nâng cao Boulder honors – nơi em hiện đang học năm thứ hai, và nhận ra rằng đây là ngôi trường thích hợp với em hơn cả. Kira cho rằng Boulder tại Colorado có thể mang lại cho em “rất nhiều cơ hội thành công và cống hiến cho cả thế giới”, và rằng “đây chính xác là những trải nghiệm mà em từng mong có được khi lên đại học”.

Nguồn: U.S. News

Nếu em đang suy nghĩ đến việc nộp đơn xin hỗ trợ tài chính từ bất cứ trường đại học nào, hãy cứ thử đừng ngần ngại. Everest Education đã cho ra đời cuốn cẩm nang “Hỗ trợ tài chính du học cho học sinh quốc tế” với rất nhiều thông tin bổ ích. Phụ huynh và học sinh có thể đăng ký để tải về và truy cập miễn phí bất cứ lúc nào tại đây.

Để lại ý kiến