E2 Talk - Phỏng vấn học sinh E2: Những điều cần biết về du học bậc trung học

Hiện nay, xu hướng du học từ Trung học phổ thông và Đại học ngày càng trở nên phổ biến hơn Trên thực tế, quá trình nộp hồ sơ du học cũng như chuẩn bị cho cuộc sống ở nước ngoài khá rắc rối và cần rất nhiều thời gian.

Trong các video trước, Johnny Trịnh – cựu học sinh của Everest Education ("E2") đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về chủ đề trên. Hôm nay, chúng tôi xin mời quý phụ huynh theo dõi toàn bộ đoạn phỏng vấn giữa Johnny và ông Tony Ngo – Chủ tịch và Đồng sáng lập của E2. Buổi trò chuyện xoay quanh các vấn đề:

  • Cách gây ấn tượng với các trường Đại học xuất sắc với thành tích học tập “tốt”?
  • Làm thế nào để tìm được những ý tưởng hay cho bài luận của mình?
  • Điểm khác nhau giữa Early Action và Early Decision là gì?
  • Bạn nên chọn trường nào để nộp hồ sơ dưới hình thức Early Action hay Early Decision?
  • Bí quyết để gia tăng cơ hội được nhận vào trường Đại học là gì?
  • Làm thế nào để mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?

Chia sẻ đôi nét về Johnny, em hiện đang là sinh viên của trường Northwestern University, bang Illinois, Mỹ. Johnny từng học tại Everest Education ("E2") vào năm 2014-2015 và tốt nghiệp Trường quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS). Em đã đạt điểm tuyệt đối hai môn trong kỳ thi AP và đạt 2260 điểm SAT.


Tony:  Chào Johnny, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi một số vấn đề xoay quanh các kinh nghiệm của cá nhân em, những vấn đề liên quan đến quá trình nộp hồ sơ du học cũng như những trải nghiệm của em trong suốt thời gian sinh sống và học tập tại Mỹ. Nhìn chung, em là một trong số những học sinh giỏi dù không phải lúc nào cũng đạt điểm số tuyệt đối trong các môn học. Và kết quả là em đã được nhận vào một trong những trường Đại học có yêu cầu đầu vào cao nhất ở Mỹ. Em có thể chia sẻ cảm nghĩ của bản thân về điều đó cũng như việc em đã làm thế nào để khắc phục những điểm có thể gọi là khá bất lợi cho bản thân em trong quá trình nộp hồ sơ du học không?

Johnny:  Ngay từ đầu, em hiểu rằng thành tích học tập và kết quả các bài thi không phải là thế mạnh của mình. Cả em và E2 đều ý thức được điều này. Tuy nhiên, em cũng biết rằng trong quá trình xem xét hồ sơ du học Mỹ, hội đồng xét duyệt sẽ coi các thành tích học tập như là những thông tin nền tảng. Sau đó, họ sẽ tiến hành cân nhắc các thành tích ngoại khóa của học sinh. Do đó, bên cạnh việc cố gắng để đạt được kết quả học tập cũng như điểm SAT tốt, em đã rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Và em cũng đã cố gắng hết sức để thể hiện những thành tích đó trong hồ sơ du học của em.

Tony:  Nghĩa là em đã tập trung chia sẻ nhiều hơn về các trải nghiệm ngoại khóa của mình. Đối với hội đồng xét duyệt, đó là những điều mà họ muốn tìm thấy từ các bài luận cũng như thư giới thiệu. Thành tích hoạt động ngoại khóa đóng một vai trò rất quan trọng, tuy nhiên, đa số các em học sinh lại chưa thể hiện được điều đó trong các bài luận của mình.

Sẵn tiện nhắc đến bài luận, em có thể chia sẻ một ít về quá trình viết bài luận của em được không? Cụ thể, em đã làm thế nào để có nhiều ý tưởng hay và đưa nó vào bài viết của mình? Theo thầy thấy, rất nhiều bạn học sinh gặp khó khăn trong việc viết luận. Các bạn chưa biết phải giải quyết những câu hỏi hóc búa của các trường Đại học như thế nào, chẳng hạn như: “Dự định cho tương lai của em là gì?”, “Em mong muốn được theo đuổi điều gì nhất trong cuộc sống của mình?”. Rất nhiều bạn học sinh đã chia sẻ với thầy rằng các bạn ấy chưa biết phải trình bày những gì trong bài luận. Vậy hôm nay em có thể chia sẻ một vài bí quyết của mình trong quá trình viết luận không?

Johnny: Thật sự thì em đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, những lời góp ý từ các thầy cô tư vấn ở trường cấp ba, cũng như các thầy cô của Everest về vấn đề quản lý thời gian cũng như làm thế nào để giúp bản thân bớt căng thẳng. Nhờ vậy, em đã nảy ra được rất nhiều ý tưởng cho bài viết của mình, bắt đầu từ những trải nghiệm của em khi đang học học kỳ hai của lớp 11.

Thật ra, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô mà em đã có được khoảng 40 đến 50 ý tưởng cũng như nhiều hướng tiếp cận khác nhau cho bài viết. Ở độ tuổi còn rất trẻ khi ấy, em không nghĩ là mình có đủ sự sâu sắc để nhìn nhận rõ ràng các vấn đề đó. Dù vậy, em thường không chỉ ngồi yên mà cố gắng suy nghĩ, hồi tưởng lại những việc em đã làm cũng như nhận thức, đánh giá để hiểu bản thân mình hơn. Và từ 50 ý tưởng ban đầu, em đã bắt đầu phác thảo dàn ý và tiến hành viết bài luận. Em nhận thấy rằng việc đó rất hữu ích đối với em, nó giúp em có thể hiểu rõ hơn về bản thân mình.

Lời khuyên của em dành cho các bạn học sinh chính là: Nếu như các bạn đang trong quá trình viết bài luận để nộp hồ sơ du học, các bạn đừng nên quá căng thẳng. Thay vào đó, hãy cố gắng thư giãn và tận dụng cơ hội trao đổi với mọi người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn cũng như những người sẵn sàng giúp đỡ, cho bạn những lời khuyên hữu ích.

Tony: Cụ thể thì em có thể cho thầy biết em đã liên hệ với những ai không?

Johnny: Có thể nói, thầy là người đã hướng dẫn em rất nhiều trong suốt quá trình làm hồ sơ đi du học. Bên cạnh đó, em còn chủ động liên lạc với các thầy cô tư vấn từ trường cấp ba của em, cũng như các thầy cô từ Everest. Hơn thế nữa, em còn trao đổi và xin thêm ý kiến từ các anh chị, các bạn đạt thành tích tốt trong trường em mà em rất ngưỡng mộ.

Tony:  Một vài phụ huynh và học sinh chưa quen với khái niệm “Early Action” (Nộp hồ sơ sớm không ràng buộc) và “Early Decision” (Nộp hồ sơ sớm có ràng buộc).  Em có thể giải thích hai khái niệm trên cũng như chia sẻ kinh nghiệm của mình khi quyết định lựa chọn quy trình nộp hồ sơ cho mình không?

Johnny:  Thời hạn nộp hồ sơ của quy trình Early Decision thường kết thúc vào ngày 01 tháng 11, hai tháng trước khi bắt đầu xét tuyển những hồ sơ thông thường. Về cơ bản, đối với hình thức Early Decision, học sinh phải chứng tỏ cho hội đồng xét tuyển thấy rằng mình thật sự muốn được nhận vào trường của họ. Và nếu trúng tuyển, học sinh bắt buộc phải theo học tại ngôi trường đó. Cá nhân em rất thích Đại học Northwestern, do đó em đã nộp hồ sơ vào trường dưới hình thức Early Decision.

Mặt khác, Early Action lại có vẻ đơn giản hơn. Học sinh không bắt buộc phải theo học tại trường mà họ đã trúng tuyển. Mục đích khi nộp hồ sơ theo hình thức này cơ bản chỉ là để cho hội đồng xét duyệt có đủ thời gian xem xét hồ sơ của học sinh trước các ứng cử viên khác. Và cuối cùng, Regular decision chỉ đơn giản là một quá trình nộp hồ sơ thông thường.

Do đó, khi lựa chọn giữa Early Decision, Early Action và Regular decision, các bạn học sinh nên cân nhắc giữa sở thích của cá nhân mình với tỷ lệ trúng tuyển vào trường.

Tony:  Em có thể chia sẻ đôi chút về các ngôi trường mà em nộp theo từng hình thức trên, cũng như cách em quyết định được không?

Johnny:  Lúc ấy em đã bắt đầu với ngôi trường mà em yêu thích nhất – Northwestern. Vào thời điểm đó, em rất may mắn khi có được cơ hội tham quan trường vào mùa hè trước khi bước vào năm học cuối cấp. Em đã tham dự các buổi hội thảo cũng như trao đổi với rất nhiều anh chị sinh viên từ 13 trường Đại học. Và từ chính những buổi nói chuyện ấy, em nhận thấy rằng các sinh viên Northwestern rất nhiệt huyết cũng như rất chuyên nghiệp. Họ làm việc hết sức và chơi hết mình. Đó chính là điều mà em luôn tìm kiếm ở những người bạn mà em sẽ sinh hoạt và làm việc cùng trong suốt những năm tháng ở Đại học. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục ở Northwestern được đánh giá là có tính linh hoạt cao. Đồng thời, em cũng rất thích nét kiến trúc của trường. Đó chính là lý do em đã quyết định đăng ký vào Đại học Northwestern.

Mặt khác, em cũng đã tìm hiểu một số trường Đại học có môi trường học tập tương tự như Northwestern. Và thật sự thì các ngôi trường ấy cũng nằm trong số những lựa chọn tốt đối với em. Bản thân em rất thích Chicago, cho nên em đã nộp vào University of ChicagoĐại học Chicago. Ngoài ra, em còn đăng ký vào một vài trường khác như Boston UniversityNortheastern University, và Boston College. Những ngôi trường này nhìn chung cũng không quá khó để trúng tuyển như Northwestern.

Tony:  Khi nói về quy trình lựa chọn giữa những trường Đại học, thầy luôn nhấn mạnh sự khác biệt giữa các trường với nhau bởi vì chính sự khác biệt đấy sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày của học sinh. Thầy cho rằng chúng ta không nên bỏ qua vấn đề này khi cân nhắc giữa những trường Đại học.

Em cũng đã đề cập rất nhiều về việc các bạn sinh viên Northwestern luôn làm hết sức và chơi cũng hết mình. Có một câu nói thế này: “Tính cách của chúng ta chính là trung bình cộng của 5 người bạn mà ta thân nhất.”

Johnny:  Vâng, em cũng đã từng nghe qua câu nói đó.

Tony:  Do vậy, nếu như em dành nhiều thời gian với các học sinh nhiệt huyết và tích cực như thế, thầy tin rằng em sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi theo học tại Northwestern. Tuy vậy, không phải ai cũng cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này khi quyết định chọn trường.

Hơn thế nữa, các hoạt động thường nhật của em cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chẳng hạn như bây giờ em đang dạy kèm cho một vài bạn vận động viên bóng đá. Điều đó đồng nghĩa với việc em đang dành nhiều thời gian hơn với những người bạn mà em thường không có nhiều cơ hội tiếp xúc. Đây cũng chính là dịp để em gặp gỡ nhiều con người với nhiều tính cách và sở thích khác nhau. Và vô hình trung, bóng đá đã từ bao giờ trở thành một sở thích chung giữa các em.

Tóm lại thì em đã nộp hồ sơ vào bao nhiêu trường?

Johnny:  Em đã nộp hồ sơ vào năm trường với hình thức Early Action, bao gồm cả việc đăng ký vào Đại học Northwestern theo quy trình Early Decision. Bên cạnh đó, em còn dự tính nộp vào khoảng 10 đến 15 ngôi trường khác để phòng khi em không trúng tuyển vào Northwestern hay các trường Đại học mà em yêu thích theo hình thức Early Action.

Johnny:Lúc ấy, gia đình em đã cùng nhau đến Mỹ để tham quan các trường Đại học và Cao đẳng. Ba mẹ và em đã tìm hiểu về nền văn hóa cũng như môi trường học tập của trường. Thật ra, em đã cố gắng thuyết phục ba mẹ cho phép em nộp đơn vào ngôi trường mơ ước của em - Northwestern - Em còn giải thích với ba mẹ rằng khi chọn trường, ngoài chất lượng giáo dục, các yếu tố khác như văn hóa, môi trường học tập,… cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, em cho rằng việc đăng ký vào Northwestern là lựa chọn khá thông minh vì tuy đây là một ngôi trường tốt, nhưng rất ít học sinh Việt Nam biết đến để ứng tuyển vào.

Tony:  Thầy đồng ý với em rằng đó là một quyết định khá sáng suốt. Thay vì nộp đơn vào những trường được nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn, em đã quyết định đăng ký vào một ngôi trường tốt nhưng lại ít được biết đến hơn. Ngoài Northwestern, theo em thì có những ngôi trường nào như vậy nữa không?

Johnny:Do em định hướng theo chuyên ngành Kinh tế nên em chỉ có thể kể tên các trường trong lĩnh vực trên. Theo em, Boston College Cao đẳng Boston là một cái tên nên được nhắc đến. Trường không những chỉ có môi trường giáo dục tốt mà còn mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên. Bên cạnh đó, University of Southern California (USC) cũng là một ví dụ điển hình.

Tony:  Lúc ấy ba mẹ em có từng nghe qua Đại học Northwestern chưa? Và họ đã nghĩ thế nào về trường?

Johnny:Ba mẹ em biết rằng Northwestern nằm trong danh sách những trường tốt nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, ở Đại học Northwestern, các hoạt động ngoại khóa đóng một vai trò khá quan trọng hơn việc học trên lớp. Dù ban đầu ba mẹ em không đồng tình với việc em nộp đơn vào trường, nhưng cuối cùng thì ba mẹ vẫn cho phép em chọn Northwestern vì họ tôn trọng sở thích, đam mê cũng như quyết định của em.

Tony:  Theo thầy thấy thì trong những năm gần đây, chất lượng của 50 trường Đại học hàng đầu của Mỹ đã tăng đáng kể, phải kể đến chính là USC. Trong gần 20 năm qua, trường đã nỗ lực rất nhiều nhằm nâng cao vị thế của mình. Ngoài ra, thầy cho rằng Northeastern cũng là một ví dụ điển hình. Trường đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp để tổ chức các chương trình, với hy vọng mang đến cho sinh viên những trải nghiệm thực tế. Đó chính là lý do mà đây được xem là một trong số những trường Đại học ở Mỹ tiên phong trong việc cải tiến chương trình học theo hướng thực tế hơn.

Trên thực tế, đa số các công ty lớn luôn tìm đến những ngôi trường hàng đầu để tuyển dụng nhân sự. Chính vì thế, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu như em đã là một sinh viên trong hệ thống các ngôi trường ấy. Tuy vậy, thầy sẽ bật mí cho em một mẹo nhỏ sau. Mặc dù có thể một bạn sinh viên nào đó không phải là sinh viên của một trong những ngôi trường top, nhưng em ấy vẫn có thể tự mở rộng cơ hội nghề nghiệp của bản thân bằng cách tham gia các ngày hội tuyển dụng của trường. Nếu thật sự quyết tâm, bạn đó có thể tự tìm hiểu lịch tổ chức của những ngày hội trên để tham gia và nộp hồ sơ ứng tuyển cho các công ty. Nhưng để làm được điều này, bạn sinh viên đó phải rất chủ động và tự giác. Thật ra, thầy có một vài người bạn đã từng áp dụng biện pháp này. Lúc ấy, nhà tuyển dụng rất bất ngờ khi một sinh viên từ một trường Đại học không mấy nổi trội đã nỗ lực hết sức mình chuẩn bị hồ sơ và đến ứng tuyển.

Johnny:Em hoàn toàn đồng ý với điều đó. Lúc trước em cũng từng tham gia rất nhiều sự kiện như vậy. Nhà tuyển dụng đã chia sẻ với em rằng họ rất ấn tượng với những bạn sinh viên chủ động như thế.

Em cũng đồng ý với thầy về việc theo học tại một trường lớn sẽ mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Tuy vậy, em cũng muốn nhắn nhủ với các bạn học sinh rằng, dù có thể bạn không được nhận vào ngôi trường mơ ước của mình, nhưng thay vì chán nản, bạn hãy xem đó là cơ hội để mình được học hỏi và tôi luyện bản thân.

Tony:  Nhìn chung thì quy trình nộp hồ sơ của em khá thuận lợi. Tuy nhiên, có điều gì mà em nghĩ bản thân đã có thể làm tốt hơn không?

Johnny:  Em ước gì mình đã có thể trải lòng nhiều hơn với ba mẹ, để cho ba mẹ biết được những ước muốn thật sự của em. Thật ra, trước đây em khá bị bó buộc vào việc học trên lớp. Chính vì muốn em tập trung hoàn toàn thời gian và sức lực vào việc học, ba mẹ đã không khuyến khích em tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên, trên thực tế thì nền giáo dục ở Mỹ rất khác Việt Nam chúng ta. Các trường học ở Mỹ luôn định hướng xây dựng một nền giáo dục toàn diện. Do đó, trong quá trình xem xét hồ sơ ứng tuyển, Hội đồng xét duyệt không những chú trọng thành tích học tập của ứng viên mà họ còn cân nhắc những khía cạnh khác của các em học sinh. Đối với các bạn học sinh có kế hoạch đi du học Mỹ, em muốn dành cho các bạn một lời khuyên: Đừng nên căng thẳng quá trong quá trình học tập, hãy cứ thả lỏng và tham gia thêm nhiều hoạt động ngoại khóa. Điều này sẽ giúp bạn phát triển không những tư duy của bản thân mà còn nhiều khía cạnh khác như: thể chất, tinh thần, các mối quan hệ xã hội, các kỹ năng mềm. Ngoài ra, các bạn sẽ có nhiều cơ hội để khám phá chính mình, khai phá những điểm thú vị của bản thân để đưa vào bài luận ứng tuyển vào các trường Đại học.

Tony:  Theo thầy thấy thì đa số phụ huynh thường không xem trọng các hoạt động ngoại khóa. Họ cho rằng đó chỉ là điểm cộng cho hồ sơ du học của con em mình. Trên thực tế, chúng đóng một vai trò quan trọng hơn ta vẫn lầm tưởng. Điều mà Hội đồng xét duyệt muốn nhìn thấy ở hồ sơ ứng tuyển của một em học sinh không phải nằm ở việc em đó tham gia bao nhiêu hoạt động. Điều họ thật sự muốn nhìn thấy chính là ứng viên này đã học hỏi được những gì và đã trưởng thành như thế nào thông qua các hoạt động mà bản thân đã tham gia. Chính vì thế, thầy hoàn toàn đồng ý với em rằng chúng ta thật sự không nên xem nhẹ các hoạt động ngoại khóa.

Trước khi chúng ta kết thúc buổi trò chuyện ngày hôm nay, em có lời khuyên gì muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh có dự định đi du học không?

Johnny:  Em nghĩ các bạn nên cố gắng sắp xếp thời gian giữa việc học trên lớp và quá trình chuẩn bị hồ sơ du học của mình. Nếu có thể, bạn nên tranh thủ hoàn thành các bài thi kiểm tra năng lực đầu vào mà trường yêu cầu càng sớm càng tốt. Sau đó, bạn có thể dành toàn bộ thời gian của mình để tham gia những hoạt động ngoại khóa mà bạn thích. Đó cũng chính là thời gian lý tưởng để bạn tìm ý tưởng cho bài luận xin nhập học của mình. Ngoài ra, bạn nên tích cực học hỏi và lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Hãy tiếp xúc nhiều hơn với những người có đòi hỏi cao, chính điều đó sẽ giúp cho bạn hoàn thiện từng ngày. Bên cạnh đó, Johnny biết là các bạn sẽ khó tránh khỏi cảm giác lo lắng và phải chịu nhiều áp lực. Điều quan trọng là các bạn phải cố gắng thả lỏng, bình tĩnh và tin vào chính bản thân mình.

Tony:  Cảm ơn Johnny vì đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm của bản thân em trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học.

Đối với các bạn khán giả, nếu các bạn có bất cứ thắc mắc hoặc chủ đề nào muốn chúng tôi đề cập trong các video tiếp theo, xin vui lòng để lại lời nhắn trong phần bình luận. Ngoài ra, nếu như các bạn cần chúng tôi hỗ trợ bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc học của con em mình, chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ.

Để lại ý kiến