Giúp con định hướng nghề nghiệp như thế nào?

Việc bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho con không bao giờ là quá sớm. Là cha mẹ, có rất nhiều thứ bạn có thể làm để giúp con xác định được nghề nghiệp con yêu thích. Ngay cả những đứa trẻ độc lập nhất cũng cần sự động viên từ cha mẹ. Quá trình để con có thể chọn được cho mình hướng đi trong tương lai thực sự rất khó khăn và đôi khi cần rất nhiều thời gian. Bởi vậy, cha mẹ nên là những người đồng hành đáng tin cậy, đưa ra những lời khuyên và giúp con cân nhắc giữa các lựa chọn.

Bài viết này sẽ mang lại cái nhìn tổng quan nhất cho cha mẹ về cách làm thế nào để nhận ra điểm mạnh của trẻ, nên trò chuyện gì với con, và các bước để lên chuẩn bị cho công việc phù hợp với con trong tương lai.


Giúp con tìm hiểu sở thích, điểm mạnh

1. Quan sát và trò chuyện để phát hiện năng khiếu của con

Trước khi bắt đầu lựa chọn nghề nghiệp hay hướng đi trong tương lai, trẻ cần hiểu rõ sở thích của bản thân, các em thích làm gì và không thích làm gì. Bắt đầu một cách đơn giản nhất, cha mẹ có thể đặt ra những câu hỏi để gợi mở và cùng con lập danh sách những việc khiến con yêu thích. Hãy thử hỏi con xem ở trường con thích học môn gì, và thích tham gia vào những hoạt động như thế nào. Cũng như chú ý xem con thích làm gì và giỏi những lĩnh vực nào. Trong suốt cuộc trò chuyện, hãy cố gắng lắng nghe và thể hiện sự động viên ở bất cứ điều gì con nói.

Bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi “Vậy năm nay ở trường con thích học môn nào nhất?”. Lấy ví dụ, con có thể thích học toán và bóng rổ, nhưng chỉ giỏi môn toán.

2. Tìm hiểu những bài kiểm tra và những công cụ đánh giá giúp trẻ tìm thấy điểm mạnh

Con bạn vẫn đang trong quá trình trưởng thành và vì vậy, việc phát hiện ra điểm mạnh của con càng sớm sẽ càng có lợi cho tương lai của con về sau. Hiện nay có rất nhiều bài kiểm tra năng lực, tính cách, các bài thi chuẩn hoá được thiết kế giúp học sinh xác định khả năng của mình. Khi biết lĩnh vực thế mạnh của con, cha mẹ sẽ dễ dàng giúp con nuôi dưỡng và trau dồi tài năng của mình.

Ví dụ, trường hợp trẻ tỏ ra có niềm yêu thích với công nghệ, cha mẹ có thể khuyến khích cũng như tạo điều kiện để em tìm hiểu thêm về lĩnh vực Công nghệ thông tin.

3. Khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá khác nhau để tìm ra lĩnh vực con yêu thích

Cha mẹ nên tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Hãy tạo điều kiện để các em được tiếp xúc với thiên nhiên, hội hoạ, khoa học, đưa các con đi du lịch, đến sở thú, bảo tàng, trò chuyện với nhiều người… và từ đó, để ý xem những hoạt động nào sẽ khiến con thích thú. Có rất nhiều cách để tìm hiểu sở thích của trẻ. Nếu con có hứng thú với bất kỳ môn học hay lĩnh vực nào, hãy khuyến khích con tìm hiểu thêm thật nhiều về lĩnh vực đó, đồng thời gợi ý con nên thử tham gia vào các hoạt động tình nguyện, hay thử thực tập, làm việc bán thời gian ở lĩnh vực mà con yêu thích. Thực sự trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm thực tế chính là cách tốt nhất giúp trẻ hiểu rõ lĩnh vực đó có phù hợp với mình không, và trẻ dần dần tìm được định hướng cho công việc mà em muốn làm nhất.

4. Tìm kiếm sự tư vấn từ thầy cô hay chuyên gia hướng nghiệp uy tín

Thầy cô hay các chuyên gia hướng nghiệp là những người có kinh nghiệm có thể giúp trẻ thu hẹp lại những lựa chọn mà các em đang phân vân. Giáo viên cũng là người hiểu rõ sức học của trẻ và có cả những thông tin liên quan đến bảng điểm hay thành tích các em đạt được ở trường. Do vậy, nếu có thể, phụ huynh có thể sắp xếp trò chuyện cùng thầy cô để được tư vấn kỹ hơn về hướng nghiệp cho con, bạn có thể hỏi thêm xem liệu giáo viên có phương pháp giúp khám phá khả năng và định hướng nghề nghiệp cho trẻ hay không.

5. Thảo luận những việc mà con phải và nên làm để theo đuổi định hướng của mình

Tương tự với sở thích, ai cũng có những việc mà chúng ta không muốn làm và luôn tìm cách thoái thác bằng mọi giá. Cha mẹ nên tìm hiểu xem cả những việc mà con không thích làm là gì. Hiểu được những điều khiến con không thích sẽ giúp cha mẹ xoá đi áp lực mà đôi khi chúng ta đã vô tình áp đặt nên con trẻ. Hãy thử trò chuyện với con về những khó khăn con đang gặp và giải thích cho con biết tại sao con cần phải làm những điều đó. Ví dụ như, bạn có thể nói “Bố biết con không thích học toán và ghét phải làm bài tập toán mỗi tối. Nhưng học giỏi toán mới có thể trở thành một nhà kiểm toán tốt trong tương lai được, phải không nào?”

Cùng con cân nhắc các lựa chọn nghề nghiệp

1. Cùng con tìm hiểu về nhiều lựa chọn ngành nghề khác nhau

Khi đã hiểu rõ sở thích và thế mạnh của trẻ, hãy cùng con dành thời gian nghiên cứu về những ngành nghề liên quan đến thế mạnh đó. Hãy tìm hiểu thật kỹ từng công việc cụ thể, yêu cầu đối với công việc đó, mức lương cũng như những lợi ích khác mà công việc đó có thể đem lại. Phụ huynh có thể tìm kiếm những thông tin này trên mạng, qua các diễn đàn, các buổi hội thảo hướng nghiệp hoặc qua các công ty tư vấn nghề nghiệp uy tín.

2. Bàn về nơi con muốn đến trong tương lai

Hãy hỏi con xem con muốn ở đâu khi trưởng thành. Việc suy nghĩ về nơi con muốn đến sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc mà con lựa chọn. Nếu con muốn đến một đất nước khác hay một nơi cụ thể nào đó, con cần hiểu rõ những công việc nào sẽ phù hợp với vùng đất đó. Địa điểm làm việc, thời gian di chuyển hay khối lượng thời gian công tác cũng sẽ tác động không nhỏ đến lựa chọn nghề nghiệp của trẻ.

3. Đừng chỉ nghĩ đến những ngành nghề truyền thống

Khi nghĩ đến nghề nghiệp, nhiều phụ huynh chỉ nghĩ đến những công việc hết sức truyền thống như giáo viên, bác sỹ, luật sư… Không phải đứa trẻ nào cũng có hứng thú với những lĩnh vực đó và các em nên được trải nghiệm, tìm hiểu thêm về những ngành nghề mới ở những lĩnh vực vô cùng đặc biệt. Khoa học, công nghệ, thậm chí là nghệ thuật, đều đang thay đổi từng ngày. Do vậy, phụ huynh nên có cái nhìn cởi mở và thử tìm hiểu về những ngành nghề mới sẽ xuất hiện trong tương lai.

4. Giúp con tích luỹ những kinh nghiệm thực tế

Tìm đọc những thông tin nghề nghiệp ở các trường đại học, các tổ chức hướng nghiệp và những thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội sẽ rất có ích. Chúng giúp bạn phần nào có được cái nhìn thực tế hơn về nghề nghiệp, công việc đó trong đời sống thực. Bên cạnh đó, hãy tạo điều kiện cho con được trò chuyện với người lớn – bạn bè, hàng xóm, họ hàng – về công việc mà họ đang làm. Lắng nghe những trải nghiệm thực tế từ chính người trong cuộc ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ giúp trẻ có được cái nhìn thực tế nhất về công việc đó. Ngày nay, bạn có thể tìm đến những chuyên gia ở nhiều lĩnh vực qua mạng xã hội. Thử liên hệ với họ để hỏi xem họ có thể chia sẻ kinh nghiệm với con bạn hay không. Những trải nghiệm thực tế đó sẽ đáng giá hơn rất nhiều so với những thông tin, số liệu bạn đọc được trên mạng. Hãy gợi ý cho con sắp xếp một buổi trò chuyện thực tế và lên trước danh sách những câu hỏi con nên tìm hiểu. Ví dụ:

  • Một ngày làm việc của anh thường sẽ như thế nào?
  • Anh đã phải học gì, chuẩn bị kiến thức, bằng cấp gì để có được công việc này?
  • Anh nghĩ gì về công việc của mình?

Cha mẹ cũng nên khuyến khích con tìm hiểu Roadtrip nation, một trang web hữu ích được cô Maria Bibler, cố vấn học sinh trường ISHCMC AA Việt Nam từng nhấn mạnh trong bài học viết "Học sinh trung học nên chuẩn bị như thế nào để đi du học?". Trang web tập hợp những đoạn video phỏng vấn rất nhiều người đến từ nhiều nơi khác nhau, đang làm những ngành nghề khác nhau và có những sở trường khác nhau. Trang web rất đáng để trẻ tìm hiểu, học tập và cân nhắc

Cùng con vạch ra con đường đạt được ước mơ

1. Cùng con xây dựng kế hoạch hành động để hướng tới mục tiêu nghề nghiệp

Kế hoạch học tập của con có thể sẽ không đúng như mong đợi vì rất nhiều lí do. Để chuẩn bị cho điều đó, cha mẹ nên cùng con lên kế hoạch cho cả những lựa chọn “dự bị” phòng trường hợp con không thể vào được trường mà mình mong muốn. Gia đình có thể cân nhắc những trường có cùng lĩnh vực con thích, phù hợp với khả năng học tập của con cũng như điều kiện tài chính của gia đình hơn. Nhờ vậy, con sẽ không bị bỡ ngỡ nếu chẳng may không thể có được công việc mà con mong muốn.

Ví dụ, nếu con bạn muốn trở thành bác sĩ, cha mẹ cũng có thể gợi ý cho con cân nhắc đến các công việc khác trong ngành Y như y tá, dược sĩ hay giáo viên sinh học.

2. Nghiên cứu những tiêu chí cần thiết của công việc con chọn

Trẻ cần ý thức con cần phải có được những kiến thức, kỹ năng nào để có thể có được công việc con thích. Bên cạnh đó, việc nắm rõ mức chi phí cần phải bỏ ra để theo đuổi ngành học đó cũng rất quan trọng để gia đình có thể bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính hỗ trợ việc học chon con. Cha mẹ cũng có thể tìm hiểu thêm bằng cách tham khảo ý kiến hay xin lời khuyên từ những người đã trải qua ngành học tương tự.

3. Khuyến khích con trải nghiệm thực tế

Việc xây dựng các mối quan hệ xã hội và trải nghiệm thực tế cũng quan trọng không kém việc học tập từ sách vở. Có rất nhiều cách mà trẻ nên làm để tích lũy cho mình trải nghiệm thực tế, như làm tình nguyện viên, thực tập, tham gia các chương trình thực tế. Cha mẹ nên khuyến khích con mạnh dạn tham gia các chuyến đi tình nguyện, những ngày hội hướng nghiệp, kiểm tra năng lực, hay đơn giản là tìm kiếm cơ hội trò chuyện với những người có kinh nghiệm ở lĩnh vực mà con yêu thích. Hãy cố gắng giải thích với con rằng mỗi khi con chủ động làm một việc gì, dù có nhận được lợi ích gì hay không, thì hành động đó cũng sẽ được đánh giá cao trong mắt các nhà tuyển dụng sau này.

Cuối cùng, không bao giờ là quá sớm để bàn về tương lai của trẻ – hãy động viên con thử tập viết hồ sơ xin việc, hay những bài luận cá nhân của mình càng sớm càng tốt, ngay từ lớp 9 nếu có thể. Nhắc nhở con tập thói quen ghi chú lại mọi kinh nghiệm mà con học được mỗi ngày, hay bất cứ hoạt động nào có thể thể hiện tố chất lãnh đạo của con.

Tóm lại, là những người làm cha làm mẹ, chúng ta nên trở thành người bạn đồng hành của con trên chặng đường hướng nghiệp. Chắc hẳn bạn vẫn nhớ cảm giác khó khăn của chính bản thân mình khi phải loay hoay đối mặt với nhiều lựa chọn ngành nghề khi còn trẻ. Vì vậy, sự động viên của cha mẹ sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ, đặc biệt ở giai đoạn này. Hãy thử làm theo những hướng dẫn đã được gợi ý, và chia sẻ với chúng tôi nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào.

 Nguồn tham khảo:
https://www.wikihow.com/Help-Your-Child-Choose-a-Career-Path
https://www.theguardian.com/careers/how-help-child-navigate-career-paths
https://www.careersadviceforparents.org/p/choosing-career-paths.html

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí