Dạy con về tiền bạc không bao giờ là quá sớm!
Những kỹ năng về tài chính – như tiết kiệm, quản lý tiền bạc – vốn dĩ rất quan trọng để trẻ có thể đạt được thành công về lâu dài. Do đó, chúng tôi rất ngạc nhiên khi trường học ngày nay lại không dạy nhiều về những kỹ năng này.
Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể, và rất nên dạy trẻ biết cách sử dụng, và quản lý tiền bạc. Một nghiên cứu của Đại học Cambridge cho thấy, trẻ em hình thành thói quen sử dụng tiền ngay từ khi lên 7 tuổi và chúng thường quan sát cha mẹ thực hiện các giao dịch có sử dụng tiền. Với một chút dẫn dắt có chủ đích, cha mẹ có thể giúp con bắt đầu học về tài chính ngay từ khi còn bé.
Theo Jayne A. Pearl, Thạc sĩ từ trường đại học Amherst, tác giả của cuốn sách Kids and Money: Giving Them the Savvy to Succeed Financially (tạm dịch, “Trẻ em và tiền bạc: Những điều trẻ cần biết để thành công về tài chính”), cho biết: “Dạy trẻ em về tiền bạc rất dễ dàng. Các hoạt động hàng ngày có thể trở thành kinh nghiệm hữu ích.” Ví dụ, các chuyến đi đến ngân hàng, cửa hàng hoặc máy ATM có thể là một khởi đầu hoàn hảo để thảo luận với con về giá trị và cách sử dụng tiền. Khi con còn nhỏ, bạn có thể đưa các khái niệm tiền bạc vào trò chơi của con, như chơi “đồ hàng”, buôn bán hoặc nhà hàng. Dạy con hiểu và biết cách sử dụng tiền bạc càng sớm, trẻ càng biết sử dụng đồng tiền một cách thông minh hơn, hợp lý hơn, từ những chuyện nhỏ như mua đồ chơi, đến những việc lớn như tiết kiệm để học đại học sau này.
Trong bài viết này, chúng tôi gợi ý một số bài học về tiền bạc phù hợp cho từng độ tuổi, cũng như các hoạt động minh họa và một số trang web, ứng dụng hữu ích để rèn luyện kỹ năng tài chính ở trẻ. Cha mẹ hãy đọc bài để biết thêm một số cách thú vị và đơn giản để hướng dẫn trẻ quản lý tiền bạc nhé!
3 – 5 tuổi: Có thể con cần phải chờ đợi để mua được món đồ con muốn
Thói quen chi tiêu tốt bắt nguồn từ khả năng “trì hoãn ham muốn”. Ví dụ, con phải đợi một tháng để mua đồ chơi Lego mà con đang thích. Và như thế, trẻ bắt đầu hiểu được khái niệm chờ đợi trong độ tuổi từ 3 đến 5. Phụ huynh có thể dạy con về yếu tố chờ đợi trong việc tiết kiệm và chi tiêu ngay từ độ tuổi này.
Đây quả thật là một khái niệm khó cho tất cả chúng ta – dù ở độ tuổi nào. Tuy nhiên, khả năng biết trì hoãn những ham muốn cá nhân cũng là một thước đo dự đoán mức độ thành công của một người khi trưởng thành. Trẻ ở độ tuổi này cần được biết: nếu con thực sự muốn một thứ gì đó, con nên chờ đợi và tiết kiệm để mua được món đồ đó.
Một đứa trẻ ba tuổi có thể nắm bắt các khái niệm về tiền bạc như tiết kiệm và chi tiêu. Cha mẹ có thể dùng tiền tiêu vặt để dạy con biết chờ đợi và chi tiêu hợp lý. Hãy tìm một món đồ chơi con muốn có với giá hợp lý, khoảng 100 ngàn, và nói với con là con sẽ phải tiết kiệm để mua món đồ chơi này. Hãy cho con 20 ngàn mỗi tuần và sau 5 tuần, bạn có thể dắt con đi mua món đồ chơi đó.
Các kỹ năng con học được ở độ tuổi này:
- Đếm tiền
- Sở hữu tiền
- Chi tiêu
- Tiết kiệm
- Cho đi
Các hoạt động dành cho lứa tuổi từ 3 đến 5:
- Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Như mỗi lần con phải xếp hàng chờ tới lượt chơi cầu trượt hoặc xích đu ở sân chơi, đó là dịp để giải thích cho con rằng: chờ đợi để có được những điều con mong muốn là một phần tất yếu của cuộc sống.
- Một cách thú vị khác giúp con thể hiện trí tưởng tượng của mình là bày một gian đồ hàng. Bằng cách đổi tiền (của trò chơi) để “mua bán” hàng hóa, con sẽ bắt đầu nắm bắt được những điều cơ bản về thương mại. Cha mẹ có thể tái sử dụng những hộp ngũ cốc, trái cây, miếng bọt biển, hoặc khăn giấy làm “hàng hóa”. Hãy cùng con làm những đồng tiền giả, và chơi trò “mua bán” cùng con.
- Lấy ba chiếc ba-lô và dán các nhãn “Tiết kiệm”, “Chi tiêu” hoặc “Chia sẻ” lên mỗi lọ. Mỗi khi con nhận được tiền, hãy dạy con chia đều tiền cho các lọ.
Ứng dụng hữu ích cho trẻ ở độ tuổi này:
- Dragonbox Numbers: Dragonbox Numbers dạy con về những con số, cách chúng hoạt động và chúng ta có thể làm gì với chúng. Con sẽ dần học được ý nghĩa của các con số thông qua những trò chơi phù hợp, thú vị và thân thiện với trẻ nhỏ.
- Peter Pig’s Money Counter: Peter Pig’s Money Counter (Máy đếm tiền của heo Peter) là ứng dụng giúp trẻ nhỏ từ 5-8 tuổi học các kỹ năng quan trọng về tiền bạc. Trẻ học cách mua hàng trong phạm vi ngân sách đã cho, biết cất tiền để tiết kiệm và giành được điểm thưởng mỗi khi có hành vi tiết kiệm tốt. Các tính năng nổi bật của ứng dụng bao gồm: ba trò chơi tương tác, những sự thật thú vị về tiền, mẹo tiết kiệm, chuyến đi đến cửa hàng ảo – nơi mua phụ kiện cho heo Peter và lưu ảnh về thiết bị.
6-10 tuổi: Con cần tự lựa chọn cách tiêu tiền của mình
Ở độ tuổi này, điều quan trọng là phải giải thích cho con hiểu: Tiền là hữu hạn và điều quan trọng là phải đưa ra những lựa chọn khôn ngoan, vì một khi con tiêu hết số tiền mình có, con sẽ không còn gì để tiêu nữa. Ở độ tuổi này, con cũng nên duy trì các hoạt động về tiết kiệm, chi tiêu và sử dụng 3 chiếc lọ phân bổ tiền, hay thiết lập mục tiêu; cha mẹ nên cân nhắc cho con bắt đầu tham gia vào các quyết định tài chính của gia đình.
6-10 tuổi là giai đoạn hoàn hảo để giải thích cho con sự khác biệt giữa mong muốn (want) và nhu cầu (need), để con có thể đưa ra những lựa chọn về tiền bạc tốt hơn sau này. Cùng con thảo luận về sự khác biệt giữa “nhu cầu” và ”mong muốn”, đồng thời khuyến khích con suy nghĩ về những điều này trước khi tiêu tiền. Ví dụ: Tại một cửa hàng, con xin mua một trò chơi điện tử mới hoặc một bộ quần áo mới, thay vì phớt lờ con, hãy nói chuyện với con xem đó có phải là thứ thực sự quan trọng đối với con không, hay đó chỉ là một sự chi tiêu bốc đồng, không cần thiết.
Các kỹ năng con học được ở độ tuổi này:
- Phân biệt giữa Hàng hóa và Dịch vụ
- Phân biệt giữa Nhu cầu và Mong muốn
- Phân biệt giữa Mục tiêu ngắn hạn và Mục tiêu dài hạn
Các hoạt động dành cho lứa tuổi từ 6 đến 10:
- Cho con tham gia vào một số quyết định tài chính. Ngoài các trò chơi, hãy cho con thấy được sức mạnh của đồng tiền trong sinh hoạt hàng ngày. Khi đi mua sắm, hãy giải thích cho con biết nên đưa ra quyết định tiêu tiền như thế nào bằng những câu hỏi như “Đây có phải là thứ chúng ta thực sự cần không? Hay chúng ta có thể bỏ qua vì chúng ta sắp đi ăn tối? ” “Thay vì mua, mình có thể mượn món đồ này từ ai được không?” “Con nghĩ có chỗ nào bán thứ này với giá thấp hơn không? Chúng ta có thể đến cửa hàng giảm giá và mua hai cái thay vì một cái không? “
2. Cho con bạn một ít tiền, chẳng hạn như 20K VND, đưa con vào siêu thị và để con lựa chọn món ăn sẽ mua, trong phạm vi số tiền mà con có, để cho con trải nghiệm lựa chọn với tiền bạc.
3. Yêu cầu con đặt mục tiêu. Mỗi khi con bỏ ống tiết kiệm, hãy nói chuyện với con về số tiền con cần có để đạt được mục tiêu, và khi nào con sẽ đạt được mục tiêu đó.
Ứng dụng hữu ích cho trẻ ở độ tuổi này:
- Savings Spree: Savings Spree là ứng dụng thú vị dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên. Trò chơi dạy cho trẻ biết những lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày mà từ đó, con có thể tạo thành khoản tiết kiệm -hoặc khoản chi tiêu lớn như thế nào, tùy thuộc vào cách con chọn tiêu (hoặc không tiêu) tiền của mình.
- Financial Football: Visa và Liên đoàn bóng đá quốc gia đã hợp tác để tạo ra Financial Football (Bóng đá tài chính). Trò chơi tương tác với nhịp độ nhanh này yêu cầu người chơi trả lời các câu hỏi về tài chính cá nhân để ghi điểm. Nếu con là người yêu thích bóng đá, ứng dụng này sẽ là một cách tuyệt vời để kết hợp các bài học tài chính vào môn thể thao yêu thích của con!
11 – 13 tuổi: Tiết kiệm tiền càng sớm, con sẽ càng có nhiều tiền
Bước vào cấp hai, trẻ đã có thể hiểu rõ cách thức hoạt động của tiền, cũng như bắt đầu có quan điểm cá nhân về cách chi tiêu và tiết kiệm. Ở độ tuổi này, cha mẹ có thể chuyển hướng: thay vì dạy con biết tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn, hãy tập trung vào các mục tiêu dài hạn hơn. Thay vì để con dùng toàn bộ tiền tiêu vặt để mua những thứ đắt tiền, cha mẹ hãy chỉ cho trẻ biết cách trích bớt số tiền con có để tiết kiệm, và sinh lời.. Giới thiệu cho con khái niệm về lãi suất kép – đó là tiền con kiếm được từ hai nguồn sau: khoản tiết kiệm của con và lãi suất trong quá khứ từ khoản tiết kiệm của con, đó là lãi suất kép.
Tại Everest Education, chúng tôi cũng bắt đầu dạy học sinh của mình về lãi suất và lãi suất kép ngay từ những năm đầu cấp 2 “Em sẽ làm gì nếu có 100 đô la ngay bây giờ?”, chúng tôi hỏi. Trong khi các học sinh khác nói rằng các em sẽ mua đồ ăn, đồ chơi, trò chơi điện tử, hay hậm chí cả…vé số, thì có một em học sinh phát biểu rằng: “Em sẽ cho bạn bè mượn tiền và tính thêm phí.” – và đó là cách chúng tôi bắt đầu giới thiệu khái niệm về lãi suất!
Các kỹ năng con học được ở độ tuổi này:
- Tín dụng
- Nợ
- Lãi suất
- Lập ngân sách
Các hoạt động dành cho lứa tuổi từ 11 đến 13:
- Giới thiệu một khoản tiêu vặt hợp lý, tạo cơ hội cho con tự quản lý tài chính. Nếu con muốn một món đồ chơi nào đó, hãy chỉ cho con cách kiếm tiền bằng cách tiết kiệm tiền tiêu vặt.
- Nếu cha mẹ có đủ khả năng, hãy cân nhắc việc lập một tài khoản tiết kiệm cho con. Ví dụ, gửi 1.000.000 đồng vào ngân hàng và nhận bảng sao kê mỗi tháng, cho con thấy tiền lãi tăng lên mỗi tháng và số tiền tăng lên theo thời gian. Bạn cũng có thể khuyến khích con để tiết kiệm một phần tiền tiêu vặt hàng tuần.
Cho con tiền thưởng thay vì tiền tiêu vặt. Đừng chỉ cho con tiền một cách vô điều kiện. Thay vào đó, phụ huynh có thể .cho con những món tiền nhỏ “động viên” mỗi khi con biết làm việc nhà, như giúp bạn đổ rác, dọn phòng hoặc cắt cỏ. Trong cuốn sách Smart Money Smart Kids, tác giả Dave và con gái Rachel Cruze đã đề cập rất nhiều về việc này. Hành động này giúp trẻ hiểu rằng số tiền con nhận được chính là số tiền do con kiếm được, chứ không phải tự nhiên mà có.
Ứng dụng hữu ích cho trẻ ở độ tuổi này:
- Bankaroo: Bankaroo là một ngân hàng ảo dành cho trẻ em, nơi phụ huynh có thể dạy con về giá trị của đồng tiền trong một môi trường an toàn. Trẻ sẽ học được cách lập ngân sách, tiết kiệm cho các mục tiêu và chi tiêu có trách nhiệm thông qua ứng dụng và trang web thú vị, dễ sử dụng.
- Stock Market Game: Đây là một chương trình được tài trợ bởi Tổ chức SIFMA (Hiệp hội thị trường tài chính và công nghiệp chứng khoán) nhằm thu hút học sinh lớp 4-12 đến với thế giới kinh tế, đầu tư và tài chính cá nhân. Công cụ này không chỉ giúp học sinh xây dựng hiểu biết cơ bản về đầu tư mà còn cung cấp cho các em kỹ năng thực hành trong thế giới thực về toán học.
- BusyKid: BusyKid cho phép cha mẹ quản lý công việc nhà của con, trả tiền thưởng cho con và chuyển số tiền đó vào thẻ Visa để con sử dụng, và con sẽ tự mình thấy biến động số dư sau mỗi món tiền thưởng ứng với việc nhà con đã làm.
14- 18 tuổi: Chuẩn bị hành trang bước ra thế giới, con hãy chắc chắn rằng đã cân nhắc kỹ lưỡng giá trị của mỗi món đồ
Những năm trung học cũng chính là giai đoạn cuối cùng trước khi con tự mình bước ra thế giới. Mặc dù có thể khó khăn, nhưng những cuộc trò chuyện về tiền bạc là điều quan trọng cần có với những đứa trẻ ở độ tuổi trung học. Trước khi con học đại học hoặc bắt đầu công việc đầu tiên, hãy giúp con hiểu sức mạnh của tiền bạc có thể giúp con thành công cả khi lần đầu con bước ra thế giới hay nhiều năm sau này. Cha mẹ nên trò chuyện với con về cách tiết kiệm cho việc học đại học khi con vẫn đang học trung học, và động viên con tìm một công việc làm thêm vào mùa hè. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con về cách thức hoạt động của các khoản vay và quá trình hoàn vốn, để con hiểu rằng việc vay tiền bây giờ có nghĩa là con có thể phải trả lại nhiều hơn trong tương lai. Khuyến khích con đặt câu hỏi liên quan đến tiền và tạo môi trường an toàn để con có thể tìm hiểu về nó.
Các kỹ năng con học được ở độ tuổi này:
- Công việc
- Ngân hàng
- Đầu tư (cổ phiếu với trái phiếu)
- Thuế
- Nợ tốt với nợ xấu
Các hoạt động dành cho lứa tuổi 14-18:
- “Hãy ngồi lại với con và lập một ngân sách bao gồm các danh mục và chi phí hàng tháng. Giúp con xem xét ngân sách hàng quý để đảm bảo rằng chúng luôn đi đúng hướng”, Jeremy Straub, Giám đốc điều hành của Coastal Wealth, một công ty tài chính ở Fort Lauderdale đưa ra lời khuyên. Mặc dù con không phải trả các hóa đơn hàng tháng như hóa đơn điện nước, nhưng nếu con phải tự trả tiền cước điện thoại di động, hoặc chi tiêu cho các món quà sinh nhật dành tặng bạn bè … thì cha mẹ có thể dạy con tính những khoản phụ này vào ngân sách.
- Thảo luận về chi phí học đại học: Khi con bước vào trung học, hãy thảo luận về chi phí học đại học và học phí. Điều này sẽ giúp con tự nhận thức và làm chủ được tiền bạc của mình, tăng năng lực ổn định tài chính và thành công lâu dài. Các trang web như College Scorecard có thể giúp các gia đình khám phá các vấn đề xoay quanh tài chính ở trường đại học. Trang web cung cấp thông tin về tỷ lệ việc làm của các cựu sinh viên, khoản nợ trung bình của sinh viên và liệu số tiền đã bỏ ra đến cuối cùng có được “đền đáp” hay không.
- Khuyến khích con tìm việc làm và kiếm tiền. Những năm thiếu niên là thời điểm tuyệt vời để con bắt đầu tìm một công việc làm thêm vào mùa hè. Điều này giúp con có thêm tiền tiêu vặt, tự mua được những món đồ mà con thích. Mặc dù những công việc quen thuộc vào mùa hè như làm việc tại các cửa hàng tạp hóa hay quán cà phê vẫn còn phổ biến, nhưng có rất nhiều cơ hội khác để con kiếm thu nhập trực tuyến như dịch thuật, gia sư tiếng Anh hoặc viết bài tự do …
Khi bắt đầu làm việc, con sẽ hiểu hơn về giá trị của đồng tiền, biết thông cảm với công việc của cha mẹ và biết được điều gì là cần thiết để gia đình trang trải cuộc sống.
4. Giới thiệu khái niệm đầu tư: Khi con đã thành thạo các kỹ năng cơ bản liên quan đến ngân hàng, hãy khuyến khích con tìm hiểu về sự phức tạp của thị trường toàn cầu hóa, khám phá ý tưởng về cổ phiếu, quỹ tương hỗ hoặc tài khoản tiết kiệm.
Ứng dụng hữu ích cho trẻ ở độ tuổi này:
- JA Build Your Future™: Ứng dụng này cho phép thanh thiếu niên khám phá hơn 100 nghề nghiệp; trình độ học vấn được yêu cầu, từ không có học vấn đến tiến sĩ; tìm hiểu về thu nhập tiềm năng; và sau đó tính toán chi phí giáo dục, bao gồm cả chi phí theo học các trường đại học công lập trong tiểu bang, ngoài tiểu bang và các trường đại học tư thục tại Mỹ.
- Mint: Đây được cho là ứng dụng tài chính cá nhân nổi tiếng nhất. Mint hướng đến đối tượng người dùng trưởng thành, nhưng nếu con đã có tài khoản ngân hàng, một công việc và thậm chí đã biết thanh toán một số hóa đơn thì đây có thể là một ứng dụng hoàn hảo cho con. Nếu con chi tiêu quá nhiều và vượt ngân sách, Mint sẽ thông báo cho con biết.
- Free Stock Market game: Trò chơi thị trường chứng khoán MIỄN PHÍ cho phép người dùng tạo ra trò chơi chứng khoán tùy chỉnh của riêng mình và tạo các bài học giáo dục cho người chơi của họ. Ứng dụng được sử dụng bởi hơn 400.000 cá nhân và sinh viên mỗi năm. Sau đó, người dùng có thể tạo cuộc thi thị trường chứng khoán và mời bạn học, bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp tham gia. Nếu con giỏi tiếng Anh và có tiềm năng trở thành một doanh nhân thành đạt trong tương lai, hãy khuyến khích con thử sức nhé!