Những trò chơi toán học thú vị dành cho trẻ tiểu học

Là cha mẹ, chúng ta đều mong muốn con mình học giỏi toán. Học toán giúp trẻ nâng cao khả năng ghi nhớ, cải thiện sự tập trung, và giúp trẻ phát triển những kỹ năng tư duy nhận thức cơ bản. Một vài nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, những đứa trẻ thể hiện khả năng học toán tốt ngay từ độ tuổi mẫu giáo sẽ có xu hướng gặt hái nhiều thành công trong học tập, ở cả môn toán lẫn ngôn ngữ, khi con bước vào độ tuổi tiểu học. Những kiến thức toán học là rất quan trọng và cần thiết để con có thể thành công trong học tập, và trong cả cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều không biết cách làm thế nào để hướng dẫn con học toán thông qua những hoạt động đơn giản hằng ngày. Khoan hãy nghĩ đến việc chạy vội ra nhà sách và mang về một đống sách tập làm toán hay flashcard học toán, những phương pháp rất cơ bản và nhàm chán có thể khiến trẻ càng ghét toán hơn. Thay vào đó, có rất nhiều cách thú vị để cha mẹ có thể từng bước giúp con làm quen với toán học.

Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp những trò chơi toán học và những hoạt động đơn giản hằng ngày giúp trẻ xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản về toán học, đồng thời, giúp các con có hứng thú với môn học này hơn. Những trò chơi này có thể bao quát mọi khái niệm toán học cơ bản, từ học đếm số, làm phép cộng trừ đến nhận diện những loại hình dạng cơ bản…, đặc biệt phù hợp cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học.


Khái niệm số đếm

Học đếm số là một trong những kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất bởi nó giúp trẻ hiểu về thứ tự những con số, nhưng trước khi học đếm, trẻ cần phải có được kiến thức cơ bản nhất về các con số. Ba khái niệm số đếm quan trọng đầu tiên mà trẻ cần phải nắm vững là one-to-one correspondence – sự tương ứng một – một (mỗi đồ vật chỉ được đếm một lần duy nhất); cardinality – số lượng (số tương ứng với vật cuối cùng được đếm cũng chính là tổng số đồ vật); và invariance – sự bất biến (tổng số lượng đồ vật không đổi nếu chúng được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau – ví dụ như rải đều ra xung quanh hay được xếp thành vòng tròn). Dưới đây là một trong số những trò chơi có thể giúp trẻ phát triển những kiến thức cơ bản về số đếm:

  • Đếm đồ vật trong những tình huống hằng ngày.  Cha mẹ có thể hỏi con đếm số lượng nút áo đính trên áo khi con cài nút, đếm số hoa quả con giúp bỏ vào giỏ khi cả hai cùng đi siêu thị, đếm số lượng muỗng nĩa có trên bàn, hay số bậc thang khi con đi lên xuống cầu thang vào cửa. Nên bắt đầu với những số nhỏ (ít hơn hoặc bằng 5) và từ từ nâng độ khó lên khi con đã sẵn sàng.
  • Xếp các đồ vật nhỏ theo đường thẳng.Sử dụng những đồng xu và dạy con học đếm. Sau khi trẻ đã có thể đếm số lượng đồng xu, hãy thử sắp xếp lại chúng theo hình tròn, theo đường thẳng, hoặc rải đều trên bàn, và yêu cầu con thử đoán xem số lượng đồng xu có thay đổi không. Đừng ngạc nhiên nếu con phải đếm để biết chắc rằng số lượng đồng xu không đổi. Nhưng nếu con có thể trả lời bạn ngay lập tức mà không cần đếm lại, bạn có thể tin chắc rằng con đã nắm vững khái niệm về số lượng bất biến (number invariance).
  • Tìm những đồ vật đi theo nhóm.  Nếu con bạn đang gặp khó khăn trong việc nhận diện những đồ vật tương ứng, bạn có thể yêu cầu con tìm những đồ vật có thể đi với nhau theo cặp, như muỗng đi với nĩa, cốc đi với dĩa, tượng ngựa đi với đồ chơi cao bồi. Khi con phân loại đồ vật, hãy yêu cầu con đếm số lượng những đồ vật tương ứng với nhau, nhờ đó con sẽ hiểu được rằng những thứ tương tự nhau có thể nhóm lại để đếm.
  • Chơi những trò chơi board game có liên quan đến số đếm.  Trẻ em thường rất thích chơi board game. Những trò chơi này không chỉ là những hoạt động thú vị dành cho cả nhà, giúp con tránh xa các thiết bị điện tử, mà còn có tính giáo dục rất cao! Ví dụ, bộ trò chơi Snakes and Ladders Snakes and Ladders (Rắn và Thang) có thể giúp trẻ làm quen các số đếm từ 1 đến 100. Một trong những bộ trò chơi board game yêu thích của chúng tôi là Junior Monopoly. Mặc dù trò chơi này phù hợp cho những em học sinh lớn hơn, cha mẹ vẫn có thể sử dụng để vừa chơi vừa học, vừa dạy toán cho con bằng cách sử dụng những tờ tiền giả và những viên xúc xắc. Phụ huynh cũng có thể biến bộ bài tây thành một trò chơi đậm chất toán học: bạn có thể bắt đầu đơn giản bằng cách sử dụng những lá bài nhỏ hơn hoặc bằng 5, sau đó nâng dần độ khó bằng cách ra luật mỗi người phải bốc ngẫu nhiên 2 lá. Người chơi có tổng số 2 lá bài lớn hơn sẽ là người giành chiến thắng!
  • Cho con nuôi heo đất. Tạo điều kiện cho con nuôi heo đất chính là một phương pháp tuyệt vời vừa giúp con học toán, vừa dạy con học cách tiết kiệm. Thông qua việc nuôi heo đất, bạn có thể dạy con học đếm, cộng và trừ bằng cách sử dụng những đồng xu. Đối với trẻ có độ tuổi nhỏ hơn, hãy cùng con đếm thật to mỗi khi con bỏ từng đồng xu vào heo đất. Đối với trẻ có độ tuổi lớn hơn, bạn có thể hỏi con kiểm tra xem mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền, và yêu cầu con tự trừ đi số tiền còn lại khi đã bỏ ra để mua thứ gì đó.

Hình học và không gian

Trẻ có thể phát triển những hiểu biết cơ bản nhất về hình học và không gian bằng cách chơi với những viên gạch hay các loại đồ chơi xếp hình. Dựa trên ý tưởng này, cha mẹ có thể tự chuẩn bị một số trò chơi toán học đơn giản. Tìm ra hình dạng ngôi nhà của bạn. Áp dụng những trò chơi tìm đồ vật đơn giản xung quanh nhà, như tìm những hình chữ nhật trên các ổ công tắc đèn, tìm hình vuông qua ô cửa sổ, hình tròn trên mặt đồng hồ, và những hình dạng khác tương tự.

  • Yêu cầu con giải thích cách làm thế nào để phân loại các hình dạng khác nhau bằng cách xác định những đặc điểm nhận biết (ví dụ như tam giác là hình có ba cạnh nối lại với nhau).
  • Bàn luận về cách sắp xếp những hình vẽ khi đọc sách.Khi đọc sách có tranh ảnh cho con, hãy cùng con thảo luận về những hình ảnh có trong sách, sử dụng các giới từ chỉ nơi chốn. Cha mẹ có thể đặt ra các câu hỏi như “Mặt trăng nằm ở đâu vậy con? Nằm ở trên cái cây? Hay dưới cái cây”, hoặc có thể chuyển sang hỏi về kích thước, như “Hà mã lớn hơn khỉ đúng không con? Con vật nào lớn hơn? Con vật nào nhỏ hơn?”.
  • Vẽ bản đồ ngôi nhà của bạn.  Cha mẹ có thể giúp con hình dung và hiểu rõ hơn về khái niệm không gian hình học bằng cách cùng con vẽ lại bản đồ phòng ngủ, hay sân chơi sau nhà. Khi con vẽ bản đồ và đặt vào đó các đồ vật tương ứng, như cửa sổ, tủ đồ, mảnh vườn, hàng cây, bụi cỏ… bạn có thể đặt ra các câu hỏi hướng dẫn như những đồ vật này nằm ở đâu và chúng cách nhau bao xa.

Đo lường

Có rất nhiều bài học cũng như công cụ để dạy trẻ về các khái niệm đo lường toán học (chiều dài, chiều cao, cân nặng, kích thước, số lượng). Cha mẹ có thể kết hợp việc dạy cho con những khái niệm đơn giản này vào rất nhiều công việc hằng ngày.

  • Học đo lường khi nấu ăn hoặc nướng bánh.  Căn bếp chính là một trong những nơi dễ dàng nhất mà cha mẹ có thể kết hợp với những bài học về toán đo lường, chẳng hạn như cân đo nguyên vật liệu, thêm gấp đôi hoặc giảm một nửa lượng nguyên liệu, đong đếm, và chia thức ăn thành nhiều phần bằng nhau. Cha mẹ có thể nhờ con giúp đổ đầy ly nước được chia theo tỷ lệ có sẵn, sử dụng muỗng đo lường làm bánh để giới thiệu với con về khái niệm số nguyên và phân số. Yêu cầu con làm những việc đơn giản như “Con có thể lấy đúng một nửa cốc nước được không?”, hay “Con có thể lấy nửa muỗng cà phê được không?”. Phụ huynh cũng có thể tham khảo thêm video này để tìm thêm ý tưởng về việc dạy con học toán trong nhà bếp, và khám phá cách mà Tony Ngo, đồng sáng lập Everest Education, đã áp dụng trò chơi toán học này như thế nào khi dạy hai con của mình làm bánh.
  • Đoán trọng lượng đồ vật khi đi siêu thị.  Lần tới khi dẫn con đi siêu thị, cha mẹ có thể chọn hai món bất kỳ từ kệ hàng hoá và hỏi con đoán xem vật nào nặng hơn: “Một hộp bánh quy và một lon nước ngọt thì cái nào nặng hơn con nhỉ?”. Nhờ vậy, trẻ sẽ dần dần học được khái niệm về trọng lượng, về thế nào là những vật nặng hơn và nhẹ hơn.
  • So sánh bước chân.  Đặt chân bạn ngay cạnh chân con và hỏi xem con thấy chân của ai dài hơn, hay lớn hơn. Sử dụng thước hoặc băng dính để giúp con hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa dài và ngắn, lớn và nhỏ.

Một số trang web và sách hay dạy Toán cho trẻ nhỏ

Trường hợp cha mẹ không có nhiều thời gian để dạy con học toán, con vẫn có thể làm quen và luyện tập những kiến thức toán học được tích hợp trên các ứng dụng dành cho máy tính và máy tính bảng. Hiện nay có rất nhiều trang web và ứng dụng thú vị, được thiết kế bắt mắt, thân thiện và mang tính giáo dục cao.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm những trang web học Toán hữu ích được các thầy cô của Everest Education giới thiệu, và một số ứng dụng vừa chơi vừa học giúp trẻ giỏi Toán hơnNgoài ra, cha mẹ cũng có thể tìm thấy những ứng dụng học toán phù hợp cho trẻ lớn hơn và học sinh cấp 2 trong các website và ứng dụng này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tổng hợp danh sách 5 cuốn sách có kết hợp các yếu tố toán học phù hợp với mọi độ tuổi mà phụ huynh có thể sử dụng để đọc cho trẻ nghe hằng ngày. Bằng cách sử dụng những cuốn sách với chủ đề toán học kể chuyện cho bé trước khi đi ngủ, phụ huynh có thể dễ dàng giúp bé phát triển khả năng toán học bên ngoài giờ học cũng như xây dựng một môi trường học toán ít căng thẳng, thú vị hơn và đầy hứng khởi hơn

Kết luận

Dạy toán cho con tại nhà không nhất thiết lúc nào cũng phải căng thẳng, tốn nhiều thời gian hay phải sử dụng giấy bút. Một khi bạn có thể cho trẻ thấy học toán vui như thế nào, con sẽ tự mình xây dựng được hứng thú học tập và có thể sẽ thích thú tìm tòi những môn học khác nữa. Khi trẻ đã thích học, chẳng điều gì có thể cản được con.

Thông qua những hoạt động và trò chơi toán học đơn giản trên, chúng tôi hy vọng có thể phần nào cho phụ huynh một vài ý tưởng để có thể kết hợp toán học với những hoạt động đơn giản hằng ngày ở nhà. Đừng quên rằng, dù sử dụng bất cứ hình thức nào để dạy trẻ học toán, hãy ghi nhớ 4 nguyên tắc học toán cùng con ở nhà: bắt đầu từ những ví dụ cụ thể, cho trẻ thấy học toán là niềm vui, cởi mở đối với tất cả mọi câu hỏi của trẻ và cuối cùng, hãy kiên nhẫn.

Hãy kéo con tham gia vào những hoạt động đơn giản nhưng thú vị này để đồng thời dạy con cách suy nghĩ, tư duy logic và sáng tạo!

Nguồn tham khảo:
https://mashupmath.com/blog/free-math-riddles-for-kids
https://www.pocoyo.com/en/riddles/maths
https://empoweredparents.co/math-activities-for-preschoolers/
https://matr.org/blog/fun-maths-games-activities-for-kids/
https://www.thoughtco.com/strategies-for-teaching-math-to-kids-3128859
https://sg.theasianparent.com/fun-ways-to-teach-your-kid-math-at-home
https://proudtobeprimary.com/math-skills-at-home/

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí