Con giỏi toán, lớn lên làm nghề gì?

“Nếu con học giỏi toán, khi lớn lên con có thể làm nghề gì?”. Chúng ta đều biết rằng toán học thật sự rất quan trọng và có thể ứng dụng vào hầu hết mọi ngành nghề hiện nay, từ khoa học, công nghệ đến kinh doanh, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, v.v.

Hiện nay trên thị trường lao động cũng có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến ngành toán. Tuy nhiên, nhiều em học sinh vẫn chưa tìm được cho mình định hướng nghề nghiệp phù hợp cho tương lai. Trong cuốn sách The Path To Purpose(tạm dịch: Con đường đạt đến mục tiêu), giáo sư William Damon của Đại học Stanford lập luận rằng, nguyên nhân sâu xa khiến trẻ em ngày càng trở nên lo lắng về mọi thứ là do áp lực về các mục tiêu ngắn hạn quá lớn. Cha mẹ nào cũng mong con có thể học tập, và thi cử tốt, nhưng lịch học dày đặc lại vô tình khiến con hạn chế giao tiếp với thế giới xung quanh. Theo giáo sư Damon, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục điều đó bằng cách giúp con tìm ra mục tiêu lớn hơn, để con thấy được ý nghĩa cuộc sống của chính mình – và một trong số các cách có thể thực hiện được đó là giúp con định hướng tương lai. 

Trong báo cáo Việc làm mới nổi bật ở Hoa Kỳ năm 2017, LinkedIn đã xếp Kỹ sư ngành Máy học (Machine Learning), Khoa học dữ liệu và Kỹ sư Big Data (dữ liệu lớn) vào nhóm những công việc mới và nổi bật hàng đầu. Trong bài viết này, Everest Education sẽ giới thiệu một số những ngành nghề tương lai thú vị đang được ưa chuộng, vừa giúp con tận hưởng công việc, vừa đem lại thu nhập cao.


Ngành nghề nào liên quan đến toán học?

Thực tế, hầu hết mọi công việc đều có liên quan đến toán học ở một (vài) khía cạnh nào đó. Các kỹ năng toán học có thể áp dụng được trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ phép cộng trừ cơ bản đến đại số phức tạp, hay kỹ năng thống kê, tất cả đều đòi hỏi phải suy luận. Kỹ năng toán học rõ ràng rất quan trọng, đặc biệt là các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Thật bất ngờ khi ở những ngành nghề có vẻ như không phải là “đích đến” của một cử nhân toán vẫn đòi hỏi những kỹ năng toán học nhất định. Ví dụ, nhà lập trình trò chơi điện tử hay nhà thiết kế hoạt hình là hai ví dụ về những công việc ít người biết có ứng dụng toán học vào đó.

Chuyên ngành toán học là bàn đạp để mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn. Dù con chọn ngành toán học lý thuyết hay toán ứng dụng, các kỹ năng phân tích, định lượng mà con góp nhặt được từ chương trình học sẽ trở nên rất giá trị và được nhiều nhà tuyển dụng săn đón. Thông thường, học sinh theo ngành toán thường đi theo hai hướng: trở thành nhà toán học hoặc tạo dựng sự nghiệp với các vai trò khác nhau trong nhiều ngành nghề khác nhau. Ví dụ, những người có bằng cấp cao về ngành toán và quan tâm đến công nghệ có thể trở thành lập trình viên máy tính, nhà phát triển phần mềm hoặc nhà khoa học dữ liệu. Học sinh chuyên ngành toán có sở thích kinh doanh sẽ thích hợp với những công việc như kiểm toán, phân tích tài chính. Hoặc nếu mong muốn tạo dựng sự nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe với tấm bằng cử nhân toán, các em hoàn toàn có thể trở thành nhà khoa học y tế.

Rất nhiều sinh viên ngành toán mơ ước ứng tuyển vào Google hoặc các công ty nổi tiếng khác, bởi các công ty lớn thường đưa ra mức lương hấp dẫn và phúc lợi tốt. Tuy nhiên, nhiều công ty nhỏ cũng có mức lương và đặc quyền tốt dành cho những ứng viên có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt. Thực tế, những kỹ năng tính toán sơ cấp và trung cấp được sử dụng nhiều công việc hơn là những kỹ năng toán nâng cao, đặc biệt là đối với những ngành nghề không yêu cầu nhân viên phải có bằng cấp về toán.

Những ngành nghề sẽ nổi bật trong tương lai dành cho trẻ thích học toán

1. Phân tích dữ liệu/ nghiệp vụ kinh doanh/ Phân tích dữ liệu lớn (Data Analyst/ Business Analyst/ Big Data Analyst)

Phân tích dữ liệu (data analyst), như tên gọi của nó, là công việc làm việc trực tiếp với dữ liệu. Dữ liệu có thể là số liệu bán hàng, chi phí vận chuyển, nhân khẩu học của người tiêu dùng hoặc hành vi tìm kiếm trên Internet. Một bài báo đánh giá của Harvard Business gọi Khoa học dữ liệu là “Công việc quyến rũ nhất thế kỷ 21”. Một nhà phân tích dữ liệu sẽ xử lý và phân tích dữ liệu để rút ra các mẫu và đưa ra quyết định kinh doanh. Mọi doanh nghiệp đều phát sinh dữ liệu trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp đó. Nhiệm vụ của các nhà phân tích dữ liệu là hiểu rõ về dữ liệu và biến chúng trở thành thông tin có ích, từ đó doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược kinh doanh. Nhà phân tích dữ liệu giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận, khởi động hoặc cải tiến sản phẩm và làm cho quy trình doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn.

“Cao cấp” hơn data analyst là data scientist – khoa học dữ liệu. Các nhà khoa học dữ liệu sẽ lựa chọn và xây dựng các thuật toán, mô hình phù hợp để phân tích dữ liệu tốt hơn và tận dụng mọi thông tin từ đó. Netflix sử dụng dữ liệu số lượt xem để đưa ra các đề xuất phim, Facebook dựa vào tương tác trước đó của người dùng để đưa ra nhiều quảng cáo mục tiêu hơn đến người dùng, tất cả đều là ví dụ về việc sử dụng dữ liệu. Bằng cách này, các nhà khoa học dữ liệu giống như những “thám tử”, họ “truy tìm” các mẫu từ dữ liệu nhằm giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định thông minh hơn. Big Data – Dữ liệu lớn cũng là một lĩnh vực tương tự nhưng nó liên quan đến việc xử lý lượng dữ liệu khổng lồ mà các công cụ truyền thống như Excel không thể đảm đương. Các chuyên gia trong lĩnh vực này làm việc với các con số, dữ liệu và các công cụ thống kê cả ngày, vì vậy đây là lựa chọn hoàn hảo cho những ai yêu thích các con số.

2. Kỹ sư Máy học (Machine Learning Engineer)

Theo Indeed, kỹ sư Máy học là công việc hấp dẫn nhất năm 2019 và là một trong những vị trí được săn đón nhiều nhất trong số các công ty. Nếu trẻ ước mơ được làm việc trong ngành công nghệ, tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến nhất, con nên theo đuổi ngành Machine Learning. Hiện nay, Machine Learning và AI được sử dụng trong các ngành bán lẻ, truyền thông xã hội, vận tải và logistics, chăm sóc sức khỏe, an ninh và nhiều ngành khác. Kỹ sư của ngành này sẽ chạy các thử nghiệm khác nhau bằng cách sử dụng các ngôn ngữ lập trình như Python, Java, Scala, v.v. với các thư viện máy học thích hợp. Một số kỹ năng chính cần thiết cho công việc này là lập trình, xác suất thống kê, lập mô hình dữ liệu, thuật toán máy học, thiết kế hệ thống, v.v.

Khác với ngành Khoa học dữ liệu – là phân tích dữ liệu để tìm kiếm thông tin hữu ích, ngành Machine Learning cũng phân tích dữ liệu, nhưng là để tìm kiếm các thuật toán chạy tự động khác nhau dưới sự giám sát của kỹ sư Máy học. Nói một cách đơn giản, ngành Khoa học dữ liệu tạo ra những kết quả (output) thiết thực cho con người, còn ngành Machine Learning tạo ra những kết quả (output) cần thiết cho máy móc học hỏi. Đây là một trong những lựa chọn nghề nghiệp thú vị nhất cho các cử nhân toán vì cơ hội làm việc cho nhiều công ty công nghệ hàng đầu và nghiên cứu những giải pháp cho tương lai.

3. Lập trình viên Blockchain (Blockchain Developer)

Blockchain là một lĩnh vực tương đối mới nhưng đã gây được tiếng vang vì tiềm năng của nó. Blockchain là lĩnh vực công nghệ nổi tiếng được biết đến thông qua giao dịch bitcoin (đồng tiền kỹ thuật số, đồng tiền ảo). Blockchain là một cơ sở dữ liệu được mã hóa, phân tán, ghi lại tương tự như một bản ghi được số hóa ở bất kỳ trao đổi, giao dịch, hợp đồng nào, v.v. Blockchain là một bản ghi tự động được kết nối rộng rãi trên rất nhiều máy tính, đây cũng là một trong những điểm nổi bật của Blockchain. Blockchain đã bắt đầu tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực tài chính và kỹ thuật bằng việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, hợp đồng thông minh và các ứng dụng sáng tạo và đột phá khác.

Blockchain trở nên hữu ích trong việc chuyển giao tài sản, tiền bạc, hợp đồng, v.v. một cách bảo mật mà không cần bất kỳ hỗ trợ từ bên trung gian nào như ngân hàng hoặc cơ quan chính phủ. Một khi thông tin được ghi lại bên trong Blockchain thì chúng không thể bị thay đổi, đó là nhờ các tính năng ổn định của nền tảng này.

Blockchain cũng là một lựa chọn nghề nghiệp tuyệt vời cho các em học sinh chuyên toán. Các bạn có thể trở thành một lập trình viên blockchain và giúp các công ty tận dụng công nghệ này để tối ưu các giải pháp doanh nghiệp. Một số công việc hàng đầu lĩnh vực blockchain hiện hành bao gồm lập trình viên blockchain, kiến trúc sư giải pháp blockchain, quản lý dự án blockchain, thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) blockchain,…

4. Kỹ sư phần mềm (Software engineer) 

Ngày nay, con người đang dần phụ thuộc vào các ứng dụng trên thiết bị thông minh. Đó có thể là trò chơi trên máy tính mà con chăm chú chơi hàng giờ đồng hồ, hay ứng dụng di động giúp cha mẹ lập ngân sách và theo dõi chi tiêu. Các trò chơi, ứng dụng này do các nhà phát triển phần mềm tạo ra. Họ là những người sáng tạo, có trình độ nhất định về tất cả các thể loại chương trình máy tính. Một số nhà phát triển phần mềm tập trung vào một chương trình hoặc ứng dụng cụ thể, một số khác thiết kế những mạng máy tính khổng lồ hoặc những hệ thống cơ sở cần thiết để kích hoạt và hỗ trợ các chương trình khác.

Là một kỹ sư phần mềm, khi gặp phải một vấn đề, họ có thể giải quyết vấn đề đó bằng một chương trình máy tính. Kỹ sư và lập trình viên máy tính cũng cần hiểu cách đọc và lập trình máy tính – công cụ nền tảng của lĩnh vực công nghệ. Lập trình và phát triển phần mềm được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục STEM (chương trình giáo dục trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Do STEM phù hợp với học sinh ở nhiều độ tuổi, cha mẹ hoàn toàn có thể trang bị cho con những kỹ năng lập trình ngay từ khi còn nhỏ.

5. Phân tích tài chính (Banking and finance analyst)

Một lựa chọn nghề nghiệp nổi bật khác mà học sinh ngành toán có thể cân nhắc là lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đây là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất vì sự đa dạng ngành nghề, phúc lợi tốt, và thử thách mà lĩnh vực này mang lại cho ứng viên. Sự nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng đi đôi với khoản tiền lương hậu hĩnh cùng nhiều thử thách trong công việc.  Dạy con hiểu về tiền bạclà một ý tưởng hay ho để giới thiệu với con những công việc liên quan đến tài chính. Các công việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng phổ biến có thể kể đến: tư vấn vay tiền mua nhà, tư vấn đầu tư, phân tích thị trường chứng khoán quốc tế, tư vấn quản lý tài chính cá nhân, doanh nghiệp, môi giới giao dịch tài chính hoặc kiểm toán báo cáo tài chính để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật.

Tài chính, kế toán và kinh doanh là những lựa chọn ngành nghề hợp lý nếu con muốn theo đuổi lĩnh vực này. Không những thế, các ngân hàng và công ty tài chính cũng chào đón ứng viên có bằng cấp chuyên ngành kinh tế, toán học hoặc kỹ thuật. Bất kể con học chuyên ngành nào, điều mà các chuyên gia tuyển dụng thực sự mong muốn nhìn thấy chính là thực lực của con khi làm việc với các con số. Khi còn ở ghế nhà trường, con cần học kỹ năng làm thế nào để trình bày số liệu theo cách chính thống nhưng vẫn dễ hiểu. Điều này sẽ giúp ích con trong cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sau này.

6. Nghiên cứu phân tích hoạt động vận hành (Operations Research Analyst)

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng mua sắm trực tuyến hoặc làm thủ tục xuất/ nhập cảnh tại sân bay. Cách thức các công ty thương mại điện tử như Amazon, Flipkart quản lý việc vận chuyển, kiểm kê sản phẩm, lên lịch giao hàng, được gọi là hoạt động vận hành. Tương tự, việc lên lịch điều phối chuyến bay tại sân bay để đảm bảo toàn hệ thống vận hành “trôi chảy” cũng là một ví dụ về hoạt động vận hành.

Các chuyên gia chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực như nguyên liệu, công nhân, máy móc, thời gian và tiền bạc được gọi là chuyên gia Nghiên cứu phân tích hoạt động vận hành. Họ áp dụng các phương pháp toán học để tối ưu chiến lược và hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực như phân phối, vận chuyển, sản xuất, vận tải và hậu cần, chuỗi cung ứng, quản lý hàng tồn kho, lên lịch trình, v.v.

7. Định phí bảo hiểm/ Thẩm định rủi ro (Actuary)

Ngành khoa học định phí/ thẩm định rủi ro là một ngành xử lý rủi ro, từ rủi ro tài chính, rủi ro bảo hiểm đến rủi ro kinh doanh. Định phí bảo hiểm/ Thẩm định rủi ro giải quyết các vấn đề phức tạp cho các công ty và giúp công ty tối ưu chính sách doanh nghiệp. Ví dụ, một chuyên viên Định phí bảo hiểm/ Thẩm định rủi ro có thể quyết định mức bảo hiểm của một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bằng cách dự đoán tình trạng sức khỏe của khách hàng (như tim mạch, ung thư hoặc các bệnh mãn tính khác đặc trưng ở từng nhóm tuổi).

Để làm công việc này, các chuyên viên phải vận dụng kiến thức về kinh doanh, dữ liệu và thống kê. Một chuyên viên Định phí bảo hiểm/ Thẩm định rủi ro có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và chính sách doanh nghiệp để thẩm định rủi ro trước các sự kiện không mong muốn.

Tạm kết

Có được kỹ năng toán học tốt sẽ mở ra cho con nhiều cơ hội nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, toán học xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề theo những cách khác nhau, đặc biệt là trong những ngành trọng yếu như khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Trang bị nền tảng toán học vững vàng là cách để con tự tin lựa chọn cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

>> Tìm hiểu 5 Lợi ích khi trẻ học Toán bằng tiếng Anh: https://blog.e2.com.vn/vi/cach-day-con-hieu-ve-tien-bac-huong-dan-chi-tiet-danh-cho-cha-me-theo-tung-do-tuoi-cua-tre/

Nếu quý phụ huynh có bất cứ thắc mắc hay chủ đề nào muốn chúng tôi khai thác, vui lòng để lại bình luận bên dưới. Quý phụ huynh cũng có thể đăng ký nhận thông tin để được cập nhật những bài viết mới nhất, cũng như tìm thấy những nội dung hữu ích khác dành cho cha mẹ tại https://blog.e2.com.vn/vi/category/parents/

Nguồn tham khảo:
mindler, upGrad

Để lại ý kiến