Hoạt động ngoại khóa là gì?
“Ngoại khóa”, trong đó “ngoại” nghĩa là bên ngoài và “khóa” nghĩa là chương trình học, hiểu chung là ngoài giờ học. Vì thế, hoạt động ngoại khóa là cụm từ chỉ các hoạt động ngoài giờ học.
Hoạt động ngoại khóa diễn ra ngoài giờ học sinh lên lớp, có thể là vào giờ ăn trưa, sau giờ học hay thậm chí vào buổi tối và cuối tuần. Hoạt động ngoại khóa rất đa dạng và có thể được tìm thấy ngay tại trường học của con từ bậc tiểu học cho đến đại học. Chắc chắn có nhiều khác biệt giữa hoạt động ngoại khóa ở các cấp học, nhưng về cơ bản, các hoạt động này đều nhằm mục đích làm phong phú và nâng cao nhiều kỹ năng cho con.
5 Lợi ích của Hoạt động Ngoại khóa
Hoạt động ngoại khóa có nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Không chỉ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất, các hoạt động này còn mang đến lợi ích về sức khỏe tâm lý và sự phát triển xã hội của con trẻ. Dưới đây là năm lý do vì sao nên khuyến khích con tham gia hoạt động ngoại khóa:
1. Tự khám phá
Năng lực học tập thường là do “thiên phú”. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ đều sở hữu những năng khiếu riêng biệt khác. Tham gia hoạt động ngoại khóa chính là cơ hội giúp trẻ hiểu thêm về bản thân và sở thích của mình. Điều này thật sự giúp ích các em trong việc đưa ra các quyết định cũng như lựa chọn chuyên ngành phù hợp trong tương lai. Không chỉ vậy, các chương trình ngoại khóa còn là cơ hội giúp trẻ khám phá những sở thích “tiềm ẩn”, làm đa dạng vốn sống của bản thân mà thậm chí các em chưa từng biết đến.
Các hoạt động này giúp rèn luyện kỹ năng và tính cách xã hội cần thiết trong cuộc sống. Ví dụ, thể thao giúp phát triển kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Hay việc chơi nhạc cụ đòi hỏi trẻ sự kiên trì, sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và mắt, và cả sự sáng tạo. Tất cả đều là những kỹ năng quan trọng để giúp trẻ “tồn tại” trong xã hội này.
2. Tăng hiệu suất học tập trên lớp
Nhiều kỹ năng trọng tâm của hoạt động ngoại khóa hoàn toàn có thể áp dụng vào các môn học chính khóa. Quá trình học tập trên lớp thường đòi hỏi học sinh các kỹ năng như giải quyết vấn đề, trí nhớ, óc sáng tạo và tư duy phản biện. Tùy vào nhu cầu, trẻ có thể tìm hoạt động ngoại khóa phù hợp để rèn luyện các kỹ năng này. Ví dụ, kỹ năng đọc bản nhạc sẽ tương tự với kỹ năng đọc một ngôn ngữ mới kết hợp với một số kỹ năng toán học. Để biểu diễn độc tấu, trẻ phải đọc bản nhạc, luyện tập và tự nhận xét phần trình diễn của mình. Những kỹ năng này sẽ làm tăng hiệu suất học tập trên lớp và góp mặt vào nhóm kỹ năng định hướng nghề nghiệp về sau.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm khai thác sâu hơn mối liên hệ giữa việc tham gia hoạt động ngoại khóa với kết quả học tập. Một trong những nghiên cứu đó, đến từ Đại học Texas A&Mchỉ ra rằng: kết quả môn đọc hiểu, thành tích môn toán và điểm số các môn học khác đều chuyển biến tích cực khi những đứa trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa.
3. Cải thiện sự tự tin
Trẻ con thích tìm tòi những việc chúng “giỏi” nhất. Vì thế, chúng sẽ chủ động hình thành động cơ học tập và cùng lúc có được sự tự tin. Ví dụ, trẻ sẽ rèn luyện kỹ năng như quản lý thời gian vì các hoạt động ngoại khóa thường đòi hỏi thành viên lập thời gian biểu theo dõi các việc cần làm theo thứ tự ưu tiên. Chính điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi cảm thấy mình đang làm chủ cuộc sống. Những đứa trẻ biết tin vào năng lực bản thân thường không dễ dàng bỏ cuộc khi “đối mặt” với những môn học đầy thử thách như môn toán.
4. Nâng cao kỹ năng xã hội
Ngày nay, đa số trẻ con dần trở nên “khó gần” hơn. Việc tham gia hoạt động ngoại khóa đồng nghĩa với tham gia vào một hoạt động hội nhóm sẽ giúp trẻ cảm thấy “không đơn độc” và học cách tương tác với bạn bè cùng chung sở thích. Giao lưu với những người bạn “cùng chí hướng” thậm chí còn giúp những đứa trẻ có được những tình bạn bền vững suốt đời. Đồng thời, trẻ học được cách tôn trọng tinh thần đồng đội, biết cách làm việc với người khác, từ đó tránh được những hành vi tiêu cực hay không phù hợp.
5. Ghi điểm với các trường Đại học
Hoạt động ngoại khóa cũng sẽ là điểm cộng lớn cho hồ sơ ứng tuyển đại học hoặc việc làm sau này của con. Có một sự thật thú vị là, khi ứng tuyển vào các trường đại học ở nước ngoài, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, các trường đặc biệt quan tâm đến việc học sinh đã sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình như thế nào. 100% học sinh tại chương trình College Compass của chúng tôi – những em đã xuất sắc được nhận vào các trường đại học hàng đầu thế giới – đều xác nhận rằng hoạt động ngoại khóa đóng một vai trò lớn trong hồ sơ ứng tuyển đại học của các em. Thực tế là, cùng với bảng điểm, các hoạt động ngoại khóa là một trong những điểm nổi bật để trường đại học hiểu được bạn thực sự là người như thế nào..
Chris Davison, phó giám đốc và cố vấn nghề nghiệp thuộc đội ngũ doanh nghiệp và nghề nghiệp tại Đại học Durham đưa ra quan điểm: “Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh tìm hiểu bản thân, qua đó phát triển và vận dụng các kỹ năng, kiến thức vào từng bối cảnh khác nhau. Những hoạt động như vậy là một yếu tố thiết yếu cho trải nghiệm đại học của các em.” Hoạt động ngoại khóa cũng chứng tỏ rằng trẻ có sở thích đa dạng và tinh thần ham học hỏi ngoài giờ học chính khóa.
Chuyện du học được thực hiện bởi chương trình College Compass của Everest Education – chương trình định hướng du học, hỗ trợ các bạn học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 ứng tuyển vào các trường đại học danh tiếng thế giới, dưới sự dẫn dắt của các cố vấn cao cấp giàu kinh nghiệm, tốt nghiệp từ Harvard, Stanford, MIT… Học sinh College Compass đã được nhận vào nhiều trường đại học cạnh tranh hàng đầu thế giới, như Harvard, Stanford, Cornell, Duke, Williams, Amherst… Đồng hành cùng bạn từ bước chọn trường, thi chuẩn hóa, cố vấn hoạt động ngoại khóa, viết luận, nộp học bổng… College Compass có những khóa học thiết kế riêng phù hợp với độ tuổi và nhu cầu riêng của mỗi học sinh. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào College Compass với lộ trình toàn diện, giúp bạn vào được trường đại học tốt nhất, phù hợp nhất với sở thích, năng lực, và định hướng tương lai của mình.
>> Tìm hiểu về College Compass here
Những hoạt động ngoại khóa phổ biến
Nếu phụ huynh chưa hình dung ra các hoạt động ngoại khóa trông như thế nào hoặc cần thêm thông tin về các hoạt động đang diễn ra, hãy theo dõi tiếp phần gợi ý dưới đây để tìm hiểu một số hoạt động ngoại khóa phổ biến nhất.
Theo The Common App, các hoạt động ngoại khóa “bao gồm nghệ thuật, thể thao, các câu lạc bộ, việc làm, cam kết cá nhân và các hoạt động hướng đến mục đích tích cực khác.” Hầu hết mọi hoạt động mang tinh thần tích cực và hiệu quả đều có thể được coi là hoạt động ngoại khóa. Dưới đây là một số hoạt động ngoại khóa phổ biến:
- Thể thao: trở thành thành viên trong đội thể thao của trường, tự lập đội riêng hoặc tham gia đội ngoài trường. Tham gia vào một đội thể thao mang lại lợi ích to lớn. Về thể chất, hoạt động thể thao khuyến khích lối sống lành mạnh và phát triển sức khỏe thể chất. Về tinh thần, tham gia thể thao giúp phát triển kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và giải quyết vấn đề mà rất ít có hoạt động ngoại khóa nào mang các cá nhân gắn kết với nhau như thể thao mang lại.
- Phục vụ cộng đồng: bất kỳ loại công việc tình nguyện nào, trong cộng đồng, quy mô trong nước và ngoài nước. Đây cũng là một cách tuyệt vời để làm nổi bật hồ sơ ứng tuyển của học sinh.
- Việc làm, bao gồm bất kỳ công việc hoặc vị trí thực tập nào: đối với học sinh năm cuối, công việc bán thời gian có thể là cơ hội quý giá để các em tiếp xúc với ngành nghề yêu thích hoặc muốn theo đuổi. Các nhà tuyển dụng thích những ứng viên chủ động với ý định phát triển sự nghiệp ngay từ khi còn trẻ tuổi.
- Nghệ thuật: bao gồm nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, hài kịch, ẩm thực – danh sách này gần như dài vô tận.
- Các hoạt động học thuật: chẳng hạn như các câu lạc bộ toán học hoặc khoa học, các cuộc thi, nghiên cứu hoặc viết lách. Ngoài thể thao, các tổ chức học sinh, sinh viên như công đoàn, đội tranh luận hoặc hội học sinh của trường là những nơi phù hợp để theo đuổi niềm đam mê lãnh đạo, trách nhiệm và mong muốn giải quyết những vấn đề khó. Đây cũng là một cách tuyệt vời để phát triển kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.
- Câu lạc bộ văn hóa: là các câu lạc bộ xoay quanh chủ đề văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, ngôn ngữ, viết lách, hiking (đi bộ đường dài), cuộc thi Rubik, cosplay (hóa thân nhân vật), v.v. Chọn tham gia câu lạc bộ theo sở thích sẽ giúp trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu với bạn bè cùng chí hướng.
Ngày nay, nhiều trường học và tổ chức cộng đồng tại địa phương tạo ra nhiều sân chơi, hoạt động thú vị, khơi dậy trí tưởng tượng và thu hút sự chú ý của trẻ em. Hãy tìm hiểu sở thích của con và để ý đến các hoạt động mà con hào hứng hoặc không mấy quan tâm. Trò chuyện với con về những hoạt động mà con chắc chắn sẽ thích. Bắt đầu trò chuyện với con từ lúc con còn nhỏ, cha mẹ sẽ dễ dàng gợi ý cho con nhiều hoạt động để con trải nghiệm cho đến khi con tìm được hoạt động phù hợp với mình. Bước tiếp theo, cha mẹ có thể tìm kiếm thông tin câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa ngay tại trường học của con hoặc trong các tổ chức cộng đồng. Có thể hoạt động con muốn tham gia không có ở trường hoặc địa phương, đừng lo lắng, cha mẹ có thể xin lời khuyên, tư vấn từ thầy cô của con hoặc những cố vấn đáng tin cậy – và Everest Education ("E2") rất sẵn lòng để đồng hành cùng cha mẹ!
Biết đâu lựa chọn của con hôm nay sẽ trở thành chiếc vé thông hành dẫn đến công việc mơ ước trong tương lai!