5 bí quyết “thấu hiểu” để kết nối cha mẹ và con cái tuổi dậy thì

Giáo dục con cái ở tuổi thiếu niên là “bài toán” nan giải đối với rất nhiều cha mẹ. Ở tuổi này, có rất nhiều nhân tố bên ngoài tác động, khiến việc kết nối với con trẻ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1996 trên 220 trẻ em từ lớp 5 đến lớp 12 cho thấy, giữa hai độ tuổi này, thời gian trẻ dành để ở bên gia đình giảm từ 35% xuống 14% số giờ của con trong một ngày.

Trong quá khứ, chúng ta đã gặp không ít trở ngại khi cố gắng kết nối với những đứa trẻ đang ở tuổi thanh thiếu niên, ngày nay, cha mẹ hiện đại còn phải đối mặt với một thách thức lớn hơn – khi nuôi dạy con ở thời đại số, với sự xuất hiện của mạng xã hội và các thiết bị điện tử.

Nhà tâm lý học gia đình Michael Riera tiết lộ rằng, ở mỗi đứa con tuổi “teen” đều có hai tính cách khác nhau cùng tồn tại: một mặt, con vẫn là đứa trẻ “ẩm ương” trong mắt bố mẹ, mặt khác, bên trong con đã có bộc lộ những dấu hiệu của một người sắp trưởng thành. Bộ mặt “người trưởng thành” đó được thể hiện rõ khi con ở trường, khi con tham gia vào các hoạt động thể thao, khi con có được công việc đầu tiên, hay khi con ở trước mặt bố mẹ của bạn bè. Không may là, chúng ta lại thường chỉ thấy được khía cạnh “ẩm ương” của con – thất thường và khó chiều. Và nếu không để ý, cha mẹ rất có thể sẽ bỏ lỡ mất thời gian có thể thực sự lắng nghe và uốn nắn con kịp thời trên hành trình trưởng thành.

“Vậy, tôi cần làm gì để trở thành một người cha, người mẹ tốt khi con bước vào tuổi dậy thì?”

Để trả lời cho câu hỏi lớn đó, chúng tôi xin được đưa ra một vài gợi ý để phụ huynh có thể xây dựng kết nối với con cái và giữ mối quan hệ tốt đẹp với con, đặc biệt là khi chúng ta ở giữa xã hội ngày càng phức tạp này.


1. Lắng nghe. Cảm thông. Chỉ khuyên răn khi thực sự cần thiết.

Đôi khi, lời khuyên của bạn dẫu có đúng đến đâu cũng không có tác dụng. Bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra “người lớn” và đưa ra những lời khuyên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cho rằng con không thể tự giải quyết vấn đề của mình. Do vậy, thay vì khuyên răn, hãy cứ lắng nghe, rồi bạn sẽ thấy con sẽ tự động mở lòng kể cho mình nghe nhiều điều hơn. Cũng đừng để bụng hay bực mình mỗi khi trẻ tỏ ra là con chưa muốn nói chuyện, hay con chỉ muốn được để yên để trò chuyện với bạn bè. Trẻ cũng cần có không gian riêng (nằm trong giới hạn an toàn) giống như người lớn vậy.

2. Luôn sẵn sàng mỗi khi con muốn nói chuyện

Đối với nhiều đứa trẻ tuổi teen, thời điểm “sẵn sàng nói chuyện” rất có thể sẽ là tối muộn hay thậm chí nửa đêm. Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết được vào khoảng nửa đêm, trẻ thường có xu hướng mở lòng hơn rất nhiều so với bình thường. Hầu hết trẻ ở tuổi này đều hành động theo ngẫu hứng và không thích tuân theo những lịch trình đã được sắp đặt trước. Do vậy, việc ép con phải nói chuyện với mình chỉ càng làm chúng ngao ngán hơn.

Con sẽ chia sẻ khi con thực sự có nhu cầu tâm sự, đặc biệt là khi cha mẹ có thể cho con thấy được mình là người biết lắng nghe – nhưng đừng cố bắt con phải chia sẻ theo ý bạn. (Nếu bạn buộc con phải chia sẻ với mình mọi thứ, trẻ có thể sẽ bắt đầu hình thành suy nghĩ giấu diếm những bí mật không để bố mẹ biết – như một cách các em phản kháng để chứng tỏ sự độc lập của mình.) Cha mẹ có thể tìm cách để có cơ hội ở cùng con nhiều hơn, như tìm không gian nào đó mà cả hai đều có thể chia sẻ chung, mà không phải yêu cầu hay ra lệnh cho con. Hoặc cha mẹ cũng có thể để con thấy được rằng mình luôn sẵn sàng bất cứ khi nào con cần, đơn giản như nói với con rằng: “Trong trường hợp con cần bố thì bố ở trong phòng làm việc đấy nhé” hay “Mẹ phải chạy ra siêu thị một lát, nhưng nếu con có việc gì cần thì cứ việc điện thoại cho mẹ nhé.”

Điều quan trọng nhất của sự “hiện diện”, không phải là lúc nào cũng phải có mặt, mà là khiến trẻ cảm nhận được sự hiện diện của bạn về mặt tinh thần, hiểu rằng bạn sẽ luôn ở đó nếu con cần giúp đỡ. Một vài bậc phụ huynh có kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ mới lớn, thường chia sẻ rằng mỗi khi họ nhận thấy con có biểu hiện gì khác lạ – thể hiện rằng chúng cần được lắng nghe, họ sẽ sẵn sàng bỏ qua mọi việc mình đang làm để lắng nghe con tâm sự. Dĩ nhiên, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, nhất là khi bạn có một công việc bận rộn hay còn phải gánh vác nhiều nỗi lo khác. Tuy vậy, nếu trẻ không cảm nhận được sự chia sẻ từ phía cha mẹ, các em sẽ có xu hướng tìm kiếm những người khác, hoặc những cách khác để giải tỏa mỗi khi có tâm sự. Khi đó, chúng ta sẽ bị mất đi sự kết nối với con.

3. Luôn chào đón những người bạn của con

Hãy để ngôi nhà của bạn trở thành nơi có thể chào đón tất cả những người bạn của con, kể cả khi có một vài đứa trẻ cá nhân bạn không thích. Ở lứa tuổi mới lớn, con thường hay thích dẫn bạn bè về nhà. Và thông thường, khi dẫn bạn về nhà, con sẽ có thể nhìn thấy một khía cạnh khác của bạn mà ở trường con không thể thấy. Cả bạn cũng vậy, có thể bạn sẽ thay đổi suy nghĩ về đứa trẻ đó và xoá bỏ đi định kiến bạn đầu. Điều quan trọng nhất, nếu bạn thoải mái hơn khi cho phép con đưa bạn về nhà, con sẽ có xu hướng dành thời gian ở nhà nhiều hơn. Nhờ vậy, cha mẹ sẽ dễ dàng hiểu con hơn xem con đang làm gì, thích gì, quan tâm tới điều gì và thậm chí, có thể “góp vui” vào những cuộc trò chuyện của con với bạn bè.

Hầu hết thiếu niên ở giai đoạn này đều thích làm mọi thứ cùng với bạn bè cùng lứa, kể cả bài tập về nhà. Nếu nhà của bạn có thể trở thành một nơi thoải mái để các con đến học nhóm và cùng nhau làm bài tập, con sẽ có nhiều động lực để hoàn thành bài tập hơn. Do vậy, hãy khuyến khích con mời bạn đến chơi, cho các con không gian riêng để học tập, trò chuyện và đưa ra những giúp đỡ khi cần thiết.

4. Dành ra khoảng thời gian cố định mỗi ngày cho gia đình

Cố gắng tạo ra những cơ hội để có thể dành thời gian cùng con. Đó có thể là những việc đơn giản như đi chợ, đi mua sắm, tham gia các sự kiện thể thao, đi xem phim hay đi du lịch cùng nhau… Dù là chỉ năm phút trước giờ đi ngủ hay khoảng thời gian cùng con rửa chén sau bữa ăn tối, hãy cố gắng trò chuyện và kết nối với con mỗi ngày.

 Nếu con vẫn còn lưỡng lự hay bối rối khi ở cùng bạn, cha mẹ cũng có thể thử xây dựng những thói quen đơn giản bắt đầu từ những điều con thích: như chơi bóng đá hay cùng uống với nhau một tách trà mỗi tối, đi bộ đi mua kem vào tối thứ hai hàng tuần, cùng ăn xế hay chơi bóng rổ vào những sáng chủ nhật. Trẻ thường sẽ có xu hướng tận dụng khoảng thời gian ở cùng bố mẹ để kể về những điều đang khiến em phiền não. Đừng hy vọng con sẽ tự nhiên chủ động tâm sự hay chia sẻ với mình, nhưng ít nhất, khi thấy được rằng cha mẹ đang cố gắng dành thời gian để hiểu con hơn, con sẽ dần mở lòng mình hơn.

5. Cuối cùng, đừng quên rằng, khi con lớn lên và muốn có không gian riêng tư, không có nghĩa là con không còn gắn bó với bạn nữa

Nếu cha mẹ có thể cho con sự riêng tư để được là chính mình và được trở thành người mà con mong muốn, thay vì người mà cha mẹ mong muốn, con sẽ có thể phát triển tự nhiên và xây dựng cho bản thân tính độc lập mà không làm phiền cha mẹ. Ngược lại, nếu bạn cứ khăng khăng muốn con phải chơi môn thể thao mà bạn thích, hay áp đặt lên con một quan điểm hay lối suy nghĩ nào đó, lúc này, con sẽ phải lựa chọn giữa ý kiến của cha mẹ và suy nghĩ của bản thân.

Ở tuổi mới lớn, trẻ thường cố gắng tìm kiếm sự độc lập và thích tự mình làm mọi thứ. Sự hiện diện của cha mẹ, với tình thương và sự quan tâm, nên là chỗ dựa để con có thể thư giãn và thoải mái thể hiện bản thân. Bằng cách đó, chúng ta có thể khiến trẻ hiểu rằng, không phải bố mẹ bắt con “phải biết tự lập”, mà là bố mẹ cho con “có quyền tự lập” để con được trưởng thành hơn.

“Như chúng ta đã biết, đặc điểm nổi bật của tuổi mới lớn đó là tính ương ngạnh. Cũng giống như vai trò của những trận khóc to đối với lá phổi của trẻ sơ sinh, sự ương ngạnh cũng sẽ giúp con tự rèn luyện khả năng phân tích vấn đề… Thay vì cố gắng an ủi hay giúp đỡ con, việc duy nhất cha mẹ nên làm là cố gắng thấu hiểu, và kết nối với con cái.” – theo cô Jennifer Marshall Lippincott, tác giả của cuốn sách 7 things Your Teenager Won’t Tell You (tạm dịch: 7 điều con không nói với bạn)

6. Một vài bí quyết khác giúp cha mẹ duy trì kết nối với con “tuổi teen”

Trò chuyện và thấu hiểu là chìa khoá quan trọng nhất để cha mẹ có thể đồng hành cùng con đi qua tuổi dậy thì. The Learning Network (www.familyeducation.com) cũng đã đúc kết một vài “bí quyết” hữu ích:
– Cố gắng trò chuyện với con, ngay cả khi con tỏ ra không hề lắng nghe. Hãy thử tìm hiểu về những chủ đề mà con đang quan tâm.
– Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con.
– Cho con không gian riêng tư. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là bạn không thể gõ cửa phòng con khi có chuyện cần nói.
– Đặt ra giới hạn cho những hành động của con, điều nào là được phép và điều nào không, tuỳ thuộc theo quan điểm và giá trị sống của bạn. Con sẽ phải hoàn toàn tuân thủ và tôn trọng những nguyên tắc này.
– Không ngừng nói và thể hiện cho con hiểu rằng cha mẹ tin tưởng con vì chính bản thân con, chứ không phải vì những việc con làm
– Tham khảo thêm ý kiến từ chuyên gia hay những người có kinh nghiệm nếu con có những biểu hiện kì lạ trong một thời gian dài.

Giai đoạn đầu tiên của tuổi dậy thì có thể là thử thách lớn cho cả cha mẹ lẫn con cái. Mặc dù hiểu rằng con đang trong giai đoạn hình thành tính cách, đôi khi vẫn thật khó để chấp nhận những hành vi hay biểu hiện khác thường của con ở giai đoạn này. Dù thử thách lớn đến đâu, cha mẹ cũng nên nhớ nên một mục tiêu duy nhất: cố gắng hoàn thành vai trò của mình tốt nhất dưới tư cách là một người làm cha, làm mẹ. Chúng tôi hy vọng những mẹo nhỏ này có thể góp phần giúp phụ huynh sớm đạt được mục tiêu đó. Cuối cùng, ở tuổi dậy thì của con, nếu có khoảnh khắc nào bạn thấy bực mình vì phải chịu đựng tất cả mọi thứ, thì đừng quên rằng giai đoạn này sẽ qua đi rất nhanh thôi!

Nguồn tham khảo:
https://www.gottman.com/blog/staying-connected-with-your-teen-in-an-age-of-distraction/

https://www.ahaparenting.com/ages-stages/teenagers/parent-teen-relationship
https://docushare.everett.k12.wa.us/docushare/dsweb/Get/Document-4550/9.%20Staying%20connected%20with%20teens.pdf
https://www.wfm.noaa.gov/pdfs/ParentingYourTeen_Handout1.pdf
https://www2.ed.gov/parents/academic/help/adolescence/adolescence.pdf

Để lại ý kiến