E2 Talk – Phỏng vấn cô Maria, trường ISHCMC AA: Tìm hiểu về hệ thống giáo dục đại học Mỹ

Không thể phủ nhận rằng hệ thống trường Đại học ở Mỹ rất phức tạp. Chính vì thế, nhiều quý phụ huynh gặp không ít khó khăn trong việc chọn trường Đại học cho con du học.

Ông Tony Ngo, Chủ tịch và đồng sáng lập Everest Education đã có một buổi chia sẻ với cô Maria Bibler, hiện đang là cố vấn học tập tại International School Ho Chi Minh City – American Academy (Trường Quốc tế TP.HCM) về hệ thống trường Đại học ở Mỹ cũng như điểm khác biệt của nó so với hệ thống trường ở các quốc gia khác.

Trước đây, cô Maria từng là cố vấn học tập tại Singapore International School Trường Quốc tế Singapore ở Mumbai, Ấn Độ. Ngoài ra, cô cũng từng công tác tại Ohio State Universityvới vai trò nhân viên văn phòng tuyển sinh. Chính vì thế, cô có kinh nghiệm rất phong phú trong việc giúp đỡ các em học sinh Châu Á trúng tuyển vào những trường Đại học Mỹ.

Buổi phỏng vấn này sẽ giải thích hệ thống trường Đại học tại Mỹ và chỉ ra những điểm khác biệt trong hệ thống Đại học trên thế giới.

Bên dưới video chính là nội dung đã được chúng tôi viết lại để phụ huynh và học sinh có thể dễ theo dõi hơn.


Tony: Chào Maria, chúng tôi muốn giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về hệ thống giáo dục Đại học ở Mỹ.  Cô có thể cho các em học sinh vài lời khuyên được không?

Maria: Vâng, dĩ nhiên. Tony biết đấy, nền giáo dục Mỹ có rất nhiều thuận lợi cũng như bất lợi khi cung cấp cho học sinh thật nhiều lựa chọn khác nhau. Và tôi tin rằng đây cũng là điểm đặc trưng nhất của nền giáo dục Mỹ. Hiện nay, có khoảng 4000 trường đại học ở Mỹ, và các trường này được phân thành nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như: trường công lập, trường tư thục, trường có quy mô lớn, nhỏ …

Tony: Một câu hỏi khác mà tôi nhận được rất nhiều từ các bậc phụ huynh Việt Nam là chọn trường cho con như thế nào. Ở Việt Nam, các trường Đại học được phân loại theo các chuyên ngành cụ thể, ví dụ như Đại học Kinh tế, Đại học Ngân hàng, Đại học Ngoại thương… Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở Mỹ lại hoàn toàn khác. Vậy, cô có lời khuyên gì để giúp các em chọn trường phù hợp không?

Maria: Như tôi đã đề cập, quý phụ huynh và các em học sinh thường nhầm lẫn và hoang mang trong việc phân biệt giữa “University” và “College”. Theo tôi thấy, hệ thống giáo dục tại nhiều nơi trên thế giới thường được phân loại theo hệ thống giáo dục kiểu Anh. Nghĩa là, bạn vào trường đại học và học một chuyên ngành cụ thể và trường đại học thường sẽ tập trung đào tạo những ngành nghề nhất định. Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở Mỹ lại hoàn toàn khác, một “University” lại bao gồm một vài “College”. Giữa “University” và “College”, “College” là tổ chức giáo dục nhỏ hơn và họ thường đào tạo chương trình cử nhân. Mặt khác, University lại lớn hơn và họ cung cấp cả chương trình cử nhân và bậc sau Đại học.

Ở Mỹ, nếu học sinh có thể vào một trường Đại học (University), các em có thể tham dự nhiều lớp ở nhiều “College” khác nhau. Ví dụ, một em học sinh học ngành Khoa học Nghệ thuật (Art & Sciences), em học sinh đó vẫn có thể tham dự các lớp Kỹ thuật (Engineering) hay Nhân văn (Humanity)… Do vậy, học sinh có thể linh hoạt lựa chọn, thậm chí thay đổi trường học, ngành học của mình. Tôi nghĩ đó là sự khác biệt lớn nhất.

Tony: Vâng, chúng tôi từng làm việc với rất nhiều phụ huynh khuyến khích hay thậm chí ép buộc con phải chọn ngành học ngay từ đầu. Điều đó hoàn toàn trái ngược với phương pháp giáo dục tại Mỹ, nơi cho phép học sinh được trải nghiệm và tìm hiểu nhiều lĩnh vực cho đến khi các em tìm được ngành học phù hợp. Nếu các em có thể tìm ra sớm ngay từ năm nhất, điều đó rất tốt. Nhưng cũng có nhiều học sinh phải đến hết năm thứ hai mới chọn được ngành phù hợp.

Maria: Đúng vậy, ngay cả tôi cũng không chính thức lựa chọn ngành học ở năm đầu tiên. Tôi đã tham dự một vài lớp học mà tôi thích vì tôi muốn khám phá, học hỏi nhiều ngành khác nhau. Tuy nhiên, càng học thì tôi lại nhận ra rằng đó chính là các chuyên ngành mà tôi đam mê và muốn theo đuổi.

Tony: Thật ra thì em trai tôi cũng đã thay đổi ngành học tận 5 lần. Nhưng hiện tại em tôi rất vui vẻ và tự hào vì có được kiến thức rộng như vậy.

Maria: Vâng, tôi nghĩ sự linh hoạt chính là vẻ đẹp của nền giáo dục Mỹ và đó cũng là điểm thu hút nhiều học sinh đến từ khắp nơi trên toàn thế giới.

Còn tiếp…

Để lại ý kiến

Đăng Ký Học Thử Miễn Phí